Cần chuẩn mực khi dạy trực tuyến

Bạn đọc viết:

Hà Minh Thư (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội)

Hiện nay, nhiều địa phương phải học trực tuyến để phòng, tránh dịch Covid-19. Lợi dụng việc học sinh, sinh viên phải tiếp xúc nhiều các thiết bị công nghệ, nhiều “kênh học tập” đua nhau mọc lên như nấm trên các nền tảng mạng xã hội. Trước đây không lâu, mạng xã hội từng xôn xao vì một người tự xưng là “cô giáo” với cách giảng dạy chưa từng thấy như phát ngôn tục tĩu, rủ người xem chơi game và lên tiếng kêu gọi... quyên góp ủng hộ. 

Sau khi “cô giáo” này bị phát hiện chưa tốt nghiệp sư phạm, những tưởng các kênh giáo dục tự xưng sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn. Nhưng trái lại, mạng xã hội ngày càng xuất hiện những “thầy, cô” với phong cách giảng dạy kỳ lạ, thậm chí phản khoa học, phi logic, có nguy cơ gây lệch lạc trong tư tưởng, suy nghĩ, nhất là ở trẻ nhỏ. Đơn cử như kênh “Thầy toán quốc dân” tự tin quảng cáo công tác ở một đại học sư phạm danh tiếng tại Thủ đô. Khi bị nhiều người chỉ ra những sai sót về kiến thức cơ bản, thay vì nhận lỗi thì lại hùng hổ dọa nạt, đòi... kiện học sinh. Hay một số “giáo viên” tự phong với hàng triệu lượt theo dõi, nhưng sẵn sàng “bóc phốt”, mạt sát, chửi bới, hạ thấp danh dự của nhau như những tay giang hồ. Mới đây, trên mạng xã hội tiếp tục xuất hiện một clip dạy phương pháp nhân 2 số có 2 chữ số “ở trường không dạy”. Về kết quả, cách làm này không sai, nhưng các bước thực hiện quá rườm rà, rối rắm và phức tạp hơn nhiều so phương pháp phổ thông. Tôi đã thử xem thêm các clip “dạy học” ở kênh này và thật sự bất ngờ với những nội dung khó có thể chấp nhận như “hỗn số là hỗn loạn về số” (!?). 

Thiết nghĩ, trong thời buổi công nghệ hiện nay, thay vì phó mặc những kiến thức trôi nổi cho “cư dân mạng” mà phần lớn là những người còn đang ngồi ghế nhà trường định đoạt, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, nhanh chóng xử lý nếu thấy dấu hiệu bất thường, lệch chuẩn.