Cùng Việt Nam vượt qua đại dịch

Trong thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều người nước ngoài vào Việt Nam làm việc, du lịch, thăm thân nhân… bị mắc kẹt, chưa thể về nước đã được gia hạn tạm trú để tiếp tục ở lại Việt Nam. Trong cuộc nói chuyện với những người nước ngoài đã và đang sống, làm việc tại Việt Nam trên nhiều lĩnh vực khác nhau, tất cả họ đều không giấu sự ngưỡng mộ và cái nhìn tích cực về năng lực vượt qua đại dịch của nước ta. 

Sách ảnh Hà Nội của nhiếp ảnh gia Marcus Lacey.
Sách ảnh Hà Nội của nhiếp ảnh gia Marcus Lacey.

Kỳ 1: Ở lại Việt Nam là một may mắn

Tại thời điểm khi dịch Covid-19 mới bùng phát ở Việt Nam, một vị đại sứ đã thốt lên rằng, được sống tại Việt Nam lúc này là một điều may mắn. Nhiều người có thể cho rằng, đó chỉ là những lời nói của một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, nhưng trên thực tế, rất nhiều người nước ngoài đã và đang sống tại Việt Nam khi được hỏi đều có chung nhận định như vậy. 

Từ bị động ở lại tới yên tâm ở lại 

laven Gligorov là một huấn luyện viên người Croatia đã sống ở Việt Nam hơn một năm. Trong thời gian đó, Slaven đã đi dọc đất nước, từ TP Hồ Chí Minh theo bờ biển phía nam, qua miền trung đến tận thị trấn Sa Pa xinh đẹp của vùng núi phía bắc. Cuối năm 2019, anh quyết định dừng chân tại Hà Nội nhưng vẫn hy vọng sau khi dịch bệnh kết thúc, anh có thể ghé thăm nhiều nơi hơn nữa. Việt Nam đối với anh là nơi “chất lượng sống cực kỳ tuyệt vời và đầy màu sắc”. Huấn luyện viên người Croatia luôn suy nghĩ tích cực về những trải nghiệm ở Việt Nam, anh cũng nhìn nhận những khác biệt theo cách tích cực hơn. Ấn tượng nhất với anh là cách mọi người luôn chào đón, hiếu khách, rất chân thành và mộc mạc. Ẩm thực phong phú với các loại thức ăn tươi ngon và được chế biến theo cách cổ truyền đặc biệt thú vị đối với những người nước ngoài như anh. 

Tuy vậy, đại dịch Covid-19 là thử thách, mang lại những “thăng trầm trong cuộc sống” với hầu hết những người trẻ như Slaven. Trước khi dịch bệnh, anh thường ngồi cà-phê trò chuyện với bạn bè, nhưng trong khi dịch bệnh bùng phát, những giao tiếp xã hội đó đều phải hạn chế. “Ý chí vững vàng và một chút kiên nhẫn đã giúp tôi rất nhiều trong những ngày này. Cá nhân tôi đánh giá Việt Nam năm sao cho phản ứng nhanh chóng và nỗ lực dập dịch. Tôi đã được an toàn khi ở lại đây và không thấy sợ hãi gì cả”, anh chia sẻ. Anh vẫn hằng ngày cập nhật tình hình dịch bệnh thông qua báo chí và lắng nghe lời khuyên từ những người bạn Việt Nam để thực hiện theo những chỉ dẫn của nhà chức trách nhằm giữ an toàn cho bản thân. 

Một bộ phận không nhỏ người nước ngoài ở Việt Nam làm giáo viên ngoại ngữ, Kenny F. đến từ Ireland là một trong số đó. Cô đã ở Hà Nội gần hai năm, cuộc sống tại Việt Nam rất thuận lợi với thời tiết tốt, nhiều cơ hội việc làm, môi trường thân thiện và bạn bè hiếu khách cũng như mức sinh hoạt phí phù hợp. “Gần như chẳng có bất lợi nào. Chất lượng sống cực kỳ tốt vì tôi được làm việc mình thích”, Kenny hài lòng với vai trò là giáo viên cho một trường tiểu học ở quận Tây Hồ. Dù vậy do đại dịch nên tính đến nay, cô đã thất nghiệp trong một thời gian dài, không có thu nhập mới và cuộc sống eo hẹp hơn. Song cô cũng hiểu rằng không thể làm gì hơn trong tình hình hiện nay. Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã quyết liệt chống dịch và ghi nhận những kết quả khả quan nếu so với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Và khi quyết định ở lại Việt Nam trong đại dịch, Kenny cho biết: “Tôi thực hiện theo những chỉ dẫn của chính phủ và các nguồn tin cậy để bảo đảm an toàn cho bản thân và mọi người chung quanh”. 

Ngay từ thời điểm dịch bệnh mới bùng phát, Đại sứ Anh Gareth Ward đã gửi thông điệp tới các công dân Anh ở Việt Nam, trong đó nhấn mạnh: “Chúng ta đã rất may mắn khi được sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Chúng ta không nên kỳ vọng được đối xử đặc cách so với người địa phương. Hãy tôn trọng luật pháp và chuẩn mực văn hóa của Việt Nam và hãy thể hiện rằng, bạn đang chung sức góp phần ngăn chặn đại dịch toàn cầu này”. 

Cùng Việt Nam vượt qua đại dịch -0
Ảnh về Hà Nội của nhiếp ảnh gia Marcus Lacey. 

Nỗi nhớ mang tên Hà Nội

Nhiếp ảnh gia Marcus Lacey, một tay máy có tiếng trong làng nhiếp ảnh du lịch thế giới, đã sống tại Việt Nam trong gần bốn năm từ năm 2016 đến cuối năm 2019, chủ yếu ở Hà Nội. Là một người thích gặp gỡ và giao lưu với bạn bè từ nhiều quốc gia và nhiều nền văn hóa nên Hà Nội trong mắt Lacey luôn là một thành phố vô cùng “đáng sống”. Tại đây, ông đã gặp gỡ rất nhiều bạn bè có chung sở thích nhiếp ảnh cũng như hoạt động sáng tạo khác. Đã đi nhiều nơi, đặt chân tới nhiều mảnh đất độc đáo, song “thành phố ở trong sông” lại là nơi đầu tiên ông chọn để ra mắt cuốn sách ảnh mang tên chính địa danh này. Cuốn sách ảnh “Hà Nội” của ông ra mắt năm 2018, được thực hiện trong ba năm và ông vẫn luôn ấp ủ quay lại đây để tiếp tục dự án còn dang dở. Những đường nét cổ kính còn đọng lại trong kiến trúc, con người hay cuộc sống đời thường… là chủ đề hay gặp trong nhiều bức ảnh của ông về Hà Nội. “Cảnh quan và các công trình ở Hà Nội đặc biệt thu hút tôi, cũng như hầu hết mọi người nước ngoài tới đây, tôi đã dành phần lớn thời gian để ngắm nhìn những cảnh vật đó”, Lacey chia sẻ. 

Nhiếp ảnh gia người New Zealand cũng nói về dự định muốn in thêm một vài cuốn sách ảnh nữa khi có thể. “Tôi yêu mọi phần của cuốn sách ảnh Hà Nội, tôi đã cố tình để lại những tấm ảnh về con người, vì nghĩ rằng chỉ riêng đề tài “Con người Hà Nội” hoàn toàn xứng đáng với một cuốn sách riêng và tôi sẽ phải nỗ lực hơn nữa để làm được điều này”. Như nhiều thành phố khác trên thế giới, Hà Nội cũng phải đối mặt những vấn đề như giao thông hay khoảng cách giàu nghèo, đó cũng là điều mà đôi khi khiến ông không thoải mái. Nhưng trên hết luôn có những tình cảm đặc biệt níu chân ông. 

Hiện đang ở New Zealand, song ông mong chờ sớm được trở lại Việt Nam. Vẫn theo dõi tin tức mỗi ngày, ông nhận định rằng thành công trong phòng, chống dịch Covid-19 ở Việt Nam càng có ý nghĩa hơn khi có được nhờ sự đóng góp và trách nhiệm của người dân. “Cho đến nay, Việt Nam đã xử lý rất tốt”, ông cũng chia sẻ về việc Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực để vừa bảo vệ người dân, vừa bảo đảm hoạt động kinh doanh trong điều kiện cho phép. Tại New Zealand, đại dịch Covid-19 cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến công việc của nhiều người. Một nửa công việc kinh doanh của Lacey là trong ngành du lịch và khách sạn, mà vì dịch bệnh nên mọi hoạt động như đi du lịch, đi chơi, gặp gỡ mọi người vẫn phải tuân theo những quy định riêng. “Theo tôi, thành công của các bạn không phải có được chỉ nhờ may mắn, mà đó là kết quả của sự nỗ lực chung”, ông viết trong nỗi nhớ và mong mỏi muốn quay lại Việt Nam sớm nhất có thể. Trên trang web của mình, những bức ảnh về Việt Nam luôn nằm ở vị trí trung tâm, còn tài khoản Instagram của Lacey từ đầu tới cuối đầy ắp ảnh về Hà Nội…  

(Còn nữa)