Thương nhớ Hà Giang

Với đam mê xê dịch, đi đến đâu tôi cũng tự dặn lòng sẽ quay trở lại. Rồi chả biết đến khi nào. Thoáng chốc đã ba năm gặp mặt Hà Giang.

Sông Nho Quế. Ảnh: LÊ MINH
Sông Nho Quế. Ảnh: LÊ MINH

Tự dưng nhớ Mã Pì Lèng, nhớ dòng Nho Quế, nhớ đêm độc hành lang thang phố cổ Đồng Văn, nhớ đĩa xôi ngũ sắc vẩn khói trong một sớm cao nguyên lạnh lẽo mà huyền ảo đến ngọt ngào. Nằm dưới tán thông Yên Minh vi vút, tự dưng nhớ Đà Lạt, nhớ những đốm lửa lập lòe nhảy nhót ven triền núi trong đêm đi từ Lũng Cú về, nhớ buổi trưa nắng mênh mông trùm phủ những dãy núi đá tai mèo nhấp nhô như bất tận, hoang hoang dài một mầu xám chì lân tinh ánh lên dưới nắng cao nguyên đá trập trùng, bát ngát và mênh mông...

Thiên nhiên và những giá trị cao quý thường chậm rãi và lâu biến chuyển, được tạo ra sau hàng triệu năm chắt chiu gom góp mới thành lấp lánh vững bền. 

Bất chợt ở đèo Thẩm Mã.

Dừng dưới chân đèo cho mấy người bạn đồng hành của tôi… hoàn hồn sau những trận say xe lử đử. Những người ưa xê dịch đã đúc kết: nếu đi được Hà Giang mà không say xe, lái không chùn tay, mỏi gối thì có thể phượt bất cứ nơi đâu. “Thẩm Mã” có nghĩa như kiểm tra ngựa. Con ngựa non được người H’Mông xưa kia nuôi đến tuổi lấy sức thồ sẽ cho chạy một vòng đèo, con nào trụ được thì dùng, con nào khụy thì cho luôn vào… nồi thắng cố...

“Con ngựa già” hơn bốn chục năm này, trước kia chả cần qua đèo Thẩm Mã lần nào cũng đã nếm trải đủ thứ công việc, đủ lao lung cay đắng, đủ trèo non lội suối, rạch rừng xuyên núi... Chắc do nó người dưới xuôi nên khác những thứ của đồng bào trên này?

Nhà của Pao.

Tôi rất thích chụp những đôi mắt trong veo, cặp má bồ quân hồng hồng dù thu hay hạ này. Nụ cười tinh khiết trong veo dưới “mây che trên đầu và nắng trên vai” xanh trong của đất trời miền núi phía bắc. Chụp để về ngắm lại thấy lòng thanh thản hơn, không dám nhìn lâu vì ngại các bé ngượng ngùng hay sợ hãi mà bỏ đi mất. 

Cậu bé theo mẹ đi bán ngô nướng trong đêm sương Sa Pa bảy năm về trước, hay cô bé này, như ú òa trốn tìm sau sạp hàng thổ cẩm trước cửa nhà Pao. Ba năm hay bao nhiêu năm, tôi ước chúng như Peter Pan, đừng có lớn, đừng phải lăn lóc ngậm ngùi, rách lại lành chai sạn đớn đau... như người lớn, để còn mãi nét hồn nhiên trong trẻo tươi xinh tinh khôi đáng quý, đáng yêu này. Nếu có lớn thì hãy thành những người như Andersen Đan Mạch, suốt đời rong chơi làm bạn với trẻ con, thủng thẳng đi cùng kể chuyện cho chúng nghe, làm chúng mơ màng hay cười khúc khích...

Rời đi rồi, tự dưng thấy nhớ da diết, nhớ tà áo thổ cẩm nhiều mầu sắc chấp chới trong sương chiều bảng lảng vùng cao, nhớ điệu khèn vút lên từ những dãy núi đá tai mèo lởm chởm hoang lạnh, nhớ đồi thông vi vút nắng trưa nhảy múa liêu trai, nhớ những vạt hoa tam giác mạch trải dài mê mải...

Hà Giang ơi...