Thời vó kéo tôm

Trời thành phố đã chớm hạ, nắng mới vừa đủ ấm áp để xua đi những cơn gió lạnh mùa xuân, mùa này ở quê những năm cũ là mùa đặt vó kéo tôm, cũng là mùa vui nhất của lũ chúng tôi. Bỗng thấy thèm cái cảm giác được lẽo đẽo theo chân bà đi cất vó.

Vó kéo tôm rất bền, làm một lần có thể dùng được nhiều mùa. Để có được những chiếc vó, ba ông cháu phải mất cả buổi mới chọn tìm được cây tre ưng ý. Ông dặn anh em tôi, cây tre không được quá non nhưng cũng không quá già, như vậy cật tre làm vó mới bền. Cật tre chặt dài khoảng hơn một mét, được vót mỏng, uốn hình cánh cung. Hai chiếc cật tre như vậy đặt chéo vào nhau cùng với miếng vải được bà cắt ra từ chiếc màn rách rồi khéo léo may vắt sổ vuông vắn là làm được một cái vó. Tận dụng hết vải từ chiếc màn, chúng tôi có tổng cộng bảy chiếc vó kéo tôm. Đêm trước khi đi đặt vó bà sẽ làm thính, thính phải thơm thì mới bắt được nhiều cá tôm. Thính được làm từ cám, cám rang trên chảo nóng đến khi dậy mùi, bà sẽ lấy cám rang cho vào một cái ống bơ để nguội rồi trộn vào một ít nước.

Sáng sớm hôm sau, anh tôi vác cây xào dài đi trước, bà ôm vó trên vai thong thả bước theo sau. Tôi đi cuối cùng tay xách một cái xô, bên trong có đựng bơ thính, tay còn lại cầm theo cái rổ, vừa đi vừa nhảy chân xáo tung tăng về phía cuối làng. Cuối làng tôi có những cái ao rộng đến cả mẫu, nước ăm ắp bốn mùa. Những người khác cũng từ trong làng kéo ra, cả người lớn lẫn trẻ con đứng chật cả bờ ao. Bà bảo tôi lấy bơ thính ra, thính ủ qua đêm thơm lừng làm tôi cứ hít hà mãi. Có lần không cưỡng lại được, tôi lén bà nhón một tí cho vào miệng, để rồi phải nhè ra bởi cái vị chan chát, bừa bựa nơi đầu lưỡi. 

Bà cho thính vào từng cái vó rồi từ từ ấn xuống nước, mỗi vó cách nhau khoảng hai, ba mét. Trong lúc chờ, bà lần trong túi áo một nắm xôi bọc lá chuối đã mang theo lúc nào chúng tôi chẳng hay, chỉ biết nhìn thấy nắm xôi thì mắt hai đứa sáng cả lên. Hai đứa chia nhau ăn ngấu nghiến, gần hết mới nhớ rằng, bà cũng chưa ăn, hỏi bà chỉ nhẹ lắc đầu bảo bà không đói. 

Vó đặt khoảng mười lăm phút thì được nhấc lên, nhìn những con tép nhảy chôm chôm trên vó, tôi nhảy cẫng lên vui sướng rồi nhanh chóng dùng rổ vớt chúng vào trong xô. Mặt trời lên cao cũng là lúc chiếc xô của bà cháu lấp xấp những tôm cùng tép, chúng tôi thu dọn ra về. Số tép bắt được sẽ chia làm ba, những con to nhất, mẹ sẽ mang ra chợ bán kiếm chút tiền mua sách vở cho chúng tôi. Một phần đem đi phơi nắng cho khô cong và cất đi ăn dần, phần còn lại cho bữa ăn trưa ngày hôm đó. Trong khi bà rang tép, anh em tôi sẽ ra sau vườn hái lá sung non để ăn kèm. Vị tép tươi ngòn ngọt, beo béo còn lá sung lại chát tưởng chẳng liên quan nhưng khi kết hợp với nhau lại ra hương vị khó cưỡng, khiến anh em tôi đưa bát liên tục.

Những mùa vó kéo tôm, những con tép cứ thế cùng chúng tôi lớn lên. Ông bà giờ đã theo mây trời, đời sống của người làng cũng khá hơn, chẳng còn ai phải đi đặt vó kéo tôm để kiếm thêm cho bữa ăn gia đình. Mỗi lần về làng nhìn những cái ao, những cánh đồng năm nào giờ đây đã thay bằng những công trình bê tông kiên cố, bỗng bồi hồi: Biết tìm nơi đâu đoạn ký ức cất vó tôm xưa...?