Tan hết một cuộc tình

1/ Nam báo với Thùy sẽ đáp máy bay về Việt Nam chuyến 22 giờ - khung giờ mà Thùy và Nam gọi cho nhau mỗi ngày trong suốt mùa dịch, những ngày giãn cách xã hội không thể ra khỏi nhà. 

Minh họa: TRẦN HOÀNG SƠN
Minh họa: TRẦN HOÀNG SƠN

Khi đó, cả hai đất nước cùng bùng dịch như nhau. Người ra đi rất nhanh. Có những xóm nhỏ, chỉ vài chục hộ dân lọt thỏm giữa lòng thành phố chẳng ai biết đến, cho đến khi bùng dịch. Mọi người biết vì chỉ sau thời gian ngắn, xóm đã không còn người già. Những hũ tro cốt lần lượt được gửi về. Có những gia đình không còn ai để nhận tro cốt. Ở thành phố này, hàng xóm quen mặt chứ không biết tên nhau, thì nay được dịp biết cả họ lẫn tên khi người giao tro cốt cất tiếng gọi. Như một đợt càn quét khốc liệt. Hụt hẫng. Đớn đau đến độ người may mắn ở lại cũng phải một thời gian sau mới biết chuyện gì đã xảy ra.

Nam thì đã quen hơn sau vài lần áp dụng giãn cách đến mức cô lập nơi xứ người. Sự thích nghi còn là điều ta nên bám vào trong những lúc tâm hồn yếu đuối nhất, rằng mọi thứ sẽ bình ổn lại. Bình ổn cả trong bất ổn. 

Khoảng thời gian đó, những cuộc điện thoại dài với Nam khiến Thùy dễ chịu hơn. Đến bây giờ, Thùy không nhớ câu chuyện đi theo hướng nào mà lại dài đến vài tiếng đồng hồ như vậy: hỏi thăm nhau, cập nhật số ca của cả hai nước, mà hiển nhiên, Nam vẫn quan tâm số ca của nước mình hơn. Cao trào của mỗi cuộc gọi là những hứa hẹn cùng nhau. Thời điểm đủ thứ tâm trạng hỗn loạn ấy, đó là cách duy nhất để khiến tâm hồn bình lặng lại, bay bổng hơn với những chuyến đi trong tưởng tượng, những buổi cà-phê nơi quán quen, hay chỉ đơn giản là được ra khỏi căn phòng chật hẹp để hít hà mùi phố xá, được gặp gỡ…

Đã có lúc Thùy thấy mình thiết tha Nam thật sự, khác với khi Nam còn ở Việt Nam. Nhất là khi cả hai nói đến chuyện hôn nhân, Thùy có chút ngỡ ngàng. Thùy là người mơ mộng. Cứ nghĩ một nửa của mình, mình sẽ nhận ra ngay từ cái nhìn đầu tiên - là lúc Nam và Thùy lóc cóc ở giảng đường từ năm nhất, chứ không phải dầm dề thời gian, thậm chí có giai đoạn lãng quên nhau như người xa lạ. Rồi Thùy cũng tự bào chữa cho mình. Cửa sổ tâm hồn chẳng phải lúc nào cũng mở toang ra để đón nhận. Có thể ở chặng đường nào đó, tất bật với những thứ quan tâm khác nên họ vô tình lướt qua nhau. Như nút thắt mở trong truyện ngắn trước khi dẫn đến kết thúc có hậu. Lắt léo chút cho khó đoán, mới hay. Mọi thứ cũng đều là nhân duyên cả, nếu không, sao hai người lại kết nối với nhau bằng đó cuộc gọi, mà không phải với người khác. Thùy phải chật vật để thuyết phục mình, rằng cuộc tình vẫn đẹp như cô mơ mộng đấy thôi!

Nam về lúc 22 giờ. Giờ đó không quá sớm hay muộn, thích hợp cho hẹn hò. Đây lại là lần đầu họ gặp nhau như những người yêu. Thùy có phần bối rối lẫn tò mò. Nam có như những gã trai khác mà Thùy gặp trong thời gian gần đây? Họ luôn đề nghị chuyện qua đêm một cách trắng trợn khiến cô mất sạch cảm xúc. 

Thật may, Nam nhắn thêm rằng: “Tụi mình gặp nhau vào sáng sớm hôm sau nhé! Anh muốn gặp Thùy ở trạng thái tươm tất nhất. Chuyến bay dài và thủ tục rườm rà khiến anh hơi mệt, với lại khuya quá cũng không tiện, nhỉ?”.  

Thùy nhận tin nhắn, đọc xong thở phào mà không rõ vì gì. 

2/ Buổi sáng đẹp trời. Cây lá trong vườn nhà xanh tươi đón nắng mới. Sau dịch, cảm giác bầu trời trong xanh, nên thơ hơn rất nhiều. Phố xá ấm áp với dòng người qua lại tấp nập. Trên mạng xã hội, Duy đăng status kèm tấm ảnh giữa ngã tư đông người: “Tui có đang nằm mơ không mọi người, vì đang ở giữa chốn kẹt xe đây! Bị kẹt xe mà mừng rơi nước mắt!”. Đọc vừa vui vừa cảm động. Thùy vô like, Duy nhắn tin lại ngay: “Nhân tiện được kẹt xe, Duy mời cà-phê Thùy nha!”. Duy là chàng trai luôn tràn đầy năng lượng tích cực. Những ngày cùng làm tình nguyện viên chống dịch, Duy chu đáo với nhóm như một bảo mẫu. Có hôm một thành viên test dương tính, cả nhóm phải ở lại chung phòng, Duy luôn lăng xăng bên cạnh Thùy, hỏi có gì bất tiện không để anh báo với trưởng nhóm giải quyết. Thùy lắc đầu. Dịch mà, đâu phải đi nghỉ dưỡng để quan trọng chỗ ăn ngủ, chỉ cần có nơi để ngả lưng là được. Duy tấm tắc khen Thùy nhìn như tiểu thư mà hòa đồng với “thường dân” quá! Cách nói của Duy khiến Thùy tức cười. Từ đó, Thùy có Duy là bạn. Những “chiến dịch” khác, ở địa phương khác, Duy cũng rủ Thùy đi cùng. Cả hai cùng nhau đi qua mùa dịch mệt nhoài nhưng vui. 

Thùy nhớ ra cuộc gặp với Nam sáng nay, nên từ chối. Duy nói không sao, Duy chờ được, lúc nào muốn cà-phê thì ới Duy, vì dù gì cũng đang thất nghiệp nên rảnh lắm nè! Duy luôn tích cực vậy, cả những thời điểm toàn xã hội oằn mình chung niềm trăn trở: phục hồi kinh tế.  

Gần đến giờ hẹn, Nam nhắn tin: “Thật ngại, người nhà anh ở quê có tang nên anh về quê đã. Gặp Thùy sau nha!”. Thùy nhắn tin lại chia buồn, rồi treo chiếc đầm chọn sẵn, định mặc sáng nay vào tủ quần áo. Đó là chiếc đầm mầu thiên thanh mà cô rất thích. 

Mất mát người thân đột ngột ở thời điểm này không có gì là lạ. Cả những cuộc tiễn đưa cũng không diễn ra được như mong muốn. Nhưng nỗi đau của người ở lại là vẹn nguyên, không gì có thể nhẹ đi được. Thùy nhắn tin chia buồn với Nam. 

Nam nói sẽ ở lại quê thêm ít ngày, dù gì cũng từ đất nước xa xôi trở về, cần phải thăm hỏi họ hàng. Hơn nữa, qua dịch, còn gặp được nhau là mừng rơi nước mắt. Mới thấy điều quan trọng nhất không phải những thứ ta đeo đuổi bao lâu nay về tiền tài, lợi danh, mà chính là sức khỏe, sinh mạng của mỗi con người. Thùy cũng ủng hộ Nam ở lại quê thêm, mỗi lần về mỗi lần khó. 

3/ Nam nhắn tin vào buổi trưa: “Thùy đợi Nam thêm ít ngày nữa nha, Nam trở lại thành phố rồi nhưng lại có chút việc”. Những ngày qua, Thùy tất bật chuẩn bị khởi động lại công việc, sau thời gian dài ngưng đọng vì dịch bệnh, nên cũng quên luôn rằng Nam đang ở Việt Nam. Cả khung giờ mỗi tối gọi cho Nam, mà có lần Thùy vu vơ nói rằng, sau này mà không gọi nữa, Thùy sẽ nhớ thói quen ấy. Cô là người dễ lệ thuộc thói quen. Có những cuộc tình đi qua, nguội hẳn mà thói quen chưa thể bỏ. Để cô vẫn phải đắng đót lòng mỗi khi bắt gặp, chạm vào khoảnh khắc liên quan đến thói quen đó. Vậy mà giờ cô quên sạch, kể cả những cuộc gọi dài với viễn cảnh đầy tình cảm mà cả hai nghĩ ra trong ngày gặp lại nhau. Cô cũng đã thêu dệt cho buổi gặp gỡ nghĩ là sẽ lãng mạn này, rằng Nam sẽ tặng cô bó hoa hồng đẫm sương đêm, thoảng mùi hương trong làn gió sớm. Rồi cả hai trao cho nhau ánh nhìn ấm áp, yêu thương. Cảm giác ấy mới nghĩ thôi Thùy đã muốn thời gian dừng lại thật lâu. Nhưng chẳng có viễn cảnh nào thành hiện thực. Hay ít nhất cũng rớt xuống thành niềm vui như những buổi gặp gỡ lâu ngày khác, chứ không nhạt nhẽo như bây giờ. 

Thùy định nhắn tin, đại khái như Thùy sẽ đợi, chúng ta còn thời gian dài ở phía trước, nhưng thấy sến sến nên không soạn tin. Thùy có thể chọn một icon nào đó thay cho sự đồng ý, nhưng rồi những ngón tay mềm mại của cô rụt lại. 

Vừa lúc sếp nhắn tin, gửi file văn bản với những đoạn note tô vàng, tô xanh chi chít, bảo em xem lại đoạn này đoạn kia trước khi chốt kế hoạch với khách hàng nhé! Thế là Thùy cắm cúi vào máy tính, tính toán này nọ kia về những deadline. Tan hết một buổi chiều thì mới xong việc. Sếp lại nhắn có cuộc họp gấp với ê-kíp dự án mới, nghe đâu khách hàng muốn dời lịch truyền thông sớm hơn so dự định, họ sẵn sàng trả phí cao cho sự thay đổi này. Thùy tất tả đến phòng họp.

Tối đó, cả ê-kíp ngủ lại văn phòng để tìm cho ra ý tưởng nhằm thuyết phục khách hàng khó tính. Sáng hôm sau, Thùy lại bận cho cuộc hẹn khách hàng khác ở văn phòng… Cứ vậy, cô quên mất tin nhắn của Nam vào ngày hôm trước. 

Một ngày giữa tuần, Nam lại nhắn tin: “Thôi chết, Nam lại có việc đột xuất…”. Thùy mỉm cười khi nhận tin nhắn Nam. Nếu như Nam hẹn gặp, Thùy mới thấy gượng gạo, khó xử mà chẳng hiểu vì sao. Trong dòng chảy của công việc, đã có lúc Thùy dừng lại, tự hỏi giữa họ chẳng lẽ chỉ là cuộc tình hờ, trong những ngày rảnh rỗi mất phương hướng vì dịch bệnh kéo dài? Tình yêu, hẳn cần thêm những thứ gia vị khác, để đậm đà hơn lên, bằng nỗi nhớ mong, khát khao gặp nhau hơn, hay chỉ đơn giản nó đủ quan trọng để ta nhấc lên vị trí ưu tiên sau bao thứ khác. Thùy không giận Nam, không giận mình, chỉ dấy lên nỗi thương cảm, khi cả hai dường như chưa từng chạm vào trái tim nhau. 

Tối đó, có cơn gió thoáng qua, để lại mùi nguyệt quế đêm nồng nàn, dễ chịu. 

4/ Thùy soạn tin nhắn cho Duy, hỏi đùa nếu không ăn mừng kẹt xe, mà ăn mừng thứ khác thì có hứng thú cà-phê không? Duy nhắn lại rất nhanh, như thể những ngón tay của anh để sẵn trên màn hình điện thoại, chờ Thùy nhắn để trả lời: “Duy cũng vừa định nhắn tin cho Thùy rủ cà-phê nè, mà sợ từ chối nữa thì quê…”.

Trong quán cà-phê giữa lòng thành phố, đám lá rơi phủ dày lối đi khi có cơn gió lướt qua. Khoảnh khắc dễ chịu ấy, Thùy muốn trải lòng với Duy, về nỗi nhớ những ngày tháng giãn cách, mà nghe vậy buồn cười quá! Dịch bệnh là khoảng thời gian ai cũng muốn trôi qua thật nhanh. Nhưng Thùy nhớ thật, nỗi nhớ cũng bình yên lắm, nhất là những buổi cơm trưa vội vã, sau lớp quần áo bảo hộ kín bưng, Duy quay sang hỏi Thùy có ổn không. Chỉ đơn giản vậy thôi mà thấy ấm lòng lắm!

Thùy còn muốn kể với Duy về một cuộc tình chưa chớm đã vội tan…