Qua ngày cách ly

Bánh xe gặp lại con đường cũ lộc xộc. 

Xiêm quyết định hòa theo dòng người. Giá như lần này trở về cũng dễ dàng như lúc đi thì còn gì phải nói.

Minh họa: VŨ ĐÌNH TUẤN
Minh họa: VŨ ĐÌNH TUẤN

Covid-19 đã đến với thế giới này như cú tát vào đời sống đang hớn hở. Chả khác gì một cái tát lật mặt như kiểu đánh ghen của bà nọ đến khu trọ nhà Xiêm oánh cái con bé nhỏ ở cuối dãy. Xiêm đã chứng kiến, Xiêm chạy ra và bênh con nhỏ đó. Bà vợ ấy, gằn giọng: Mày mà còn đụng đến chồng tao thì cho mày mất xác. Con bé đó lúc đầu còn trâng trâng lên: Bà có chồng bà giữ chứ mắc mớ gì tôi-con bé chuyên mặc cái váy ngắn đi làm ở quán bia buổi chiều. Nghe nó nói mà Xiêm cũng bực mình. Thế rồi, bà ta nghiến răng cho nó một cái tát lật mặt. 

Con bé đó đứng im nhìn trân trân bà ta. Đó là bà chủ tiệm cầm đồ đối diện quán bia nó làm. Hôm sau nó không còn ở xóm trọ nữa. Chị ở cùng phòng đó nói: Nó về quê! Nhờ cú tát ấy nó tỉnh ra. Đi mượn đồ người khác dùng khổ nhục thế đấy! Có thể nhờ cái tát ấy mà con bé đó gặp may hơn những người trong xóm trọ của Xiêm. Sau khi nó về quê được đôi tuần thì toàn khu trọ gặp lệnh phong tỏa. Mọi người loanh quanh trong những bức tường.

Đồ đạc của Xiêm chỉ có một cái túi xách nhỏ. Tiền đủ mua xăng, mua đồ ăn dọc một chặng đường gần hai nghìn km thì về đến đầu làng. Thậm chí là có ngày dùng ăn đồ của người dân tặng cho đoàn người trở về. Có những đoạn đường không một bóng nhà dân, đoàn người chia nhau từng chai nước uống, từng miếng cơm nắm, ổ bánh mì… Vài người làm thành một nhóm cùng huyện, cùng xã với nhau. Như những đám bèo kết lại xuôi dòng. Cực nhọc vậy mà có lúc thấy vui. Có lẽ người ta ham sống là vì cuộc sống này có nhiều niềm vui lắm. 

Phía trước đoàn người là cổng nhà mình. Họ trở về nhà như một lẽ tự nhiên sau cuộc đi mang theo ước mơ về đủ ăn đủ mặc. Không phải họ sẽ đi mãi mãi đâu. Họ đi từ đầu năm đến cuối năm lại về đón Tết ở quê mà. Năm nào không đủ tiền về quê là họ nóng lòng như mắc lỗi. 

*

Đón Xiêm đầu tiên là con trâu buộc ở rìa làng. Con trâu thong dong đi một mình. Đường làng vắng vẻ. Vẫn vắng như lúc Xiêm từ biệt. Vẫn chỉ có một bóng con trâu là cái chấm sống động cuối cùng ở phía làng. Năm nào Xiêm cũng về đúng dịp hội làng. Ở nhà với thầy u chưa đến một tuần lại muốn đi. 

Xiêm đã đi khỏi làng khi con bé mới ba tuổi. Giờ nó đã lên bảy. Năm nào về ở với nó mấy ngày, nó cũng hỏi, bao giờ bố không đi nữa? Có bữa nó gọi điện khóc thút thít, mẹ nó đi làm công nhân tăng ca về muộn, nhà mất điện tối om. Xiêm xót con, gọi điện mắng vợ cũ. Vợ cũ của Xiêm đang ở một nơi nào đó rất ồn ào tiếng người. Có tiếng đàn ông nói to. Ăn xong thì đi hát một trận cho sướng nhé! Xiêm quát: Về ngay, con ở nhà bị sao rồi cô biết không? Lúc đó vợ cũ Xiêm mới ậm ừ có vẻ vội vàng ra khỏi đám nhậu ấy. 

Đêm đó Xiêm không ngủ được. Xiêm nghĩ về vợ cũ. Nghĩ về lý do tại sao hai người chia tay. Yêu nhau thề sống thề chết rồi mới lấy được nhau. Cưới ba năm rồi chia tay. Từ ngày đó đã được bốn năm ba tháng rồi. Có những hôm Xiêm ngẫm ngợi, sao mình lại tát vợ đau thế nhỉ! Vợ đã ngã đập đầu vào thành giếng và ngất đi. Thế là bố mẹ vợ, anh vợ, em vợ chạy sang tẩn cho Xiêm một trận thừa sống thiếu chết vì cái tội đánh vợ. Sau đó thì thông gia hai nhà cãi nhau một trận to. Kết quả cuộc cãi lộn thiếu chút nữa thì đổ máu ấy là Xiêm ký vào giấy ly hôn mà chân như không đặt lên mặt đất. Vợ Xiêm cúi mặt nhìn xuống thở dài. Rồi Xiêm đi biệt vào nam học nghề nấu ăn và làm thuê cho người họ hàng trong Bình Dương. Cuối cùng thì chọn được nghề làm bánh ngọt. Vì con gái Xiêm rất mê mùi bánh ngọt thơm thơm vị bơ sữa. 

Đến giờ, Xiêm vẫn nghĩ tại sao mình lại làm đổ vỡ một gia đình có vợ, có con một cách dễ dàng như thế nhỉ! Mỗi lần đi hội chợ chơi, nhìn thấy mấy cái váy hoa đẹp đẹp, Xiêm lại nghĩ tới mơ ước nhỏ nhoi của vợ mỗi lần xem phim, giá mà có cái váy giống cô kia thì em cũng xinh thế nhỉ! Lúc đó, Xiêm bảo: Xinh thế thì anh mất vợ à? Vợ chồng cười rúc rích với nhau. Nhiều khi Xiêm giơ bàn tay đánh vợ lên nhìn mà khó chịu… Dù thế nào, thì chuyện cũng đã rồi!

Xiêm chịu khó và được làm bếp chính, rồi tranh thủ đi làm thêm ở tiệm bánh ngọt. Lương cũng khá, mỗi tháng gửi về cho con nhỏ khoảng hai triệu đồng. Khi tiền chuyển xong vào tài khoản của vợ. Xiêm chỉ nhận được một tin nhắn vẻn vẹn: Đã nhận được tiền cho con. Xiêm chỉ mong vợ gọi điện hỏi xem có tiền không mua giúp cho cái tivi mới, hay là thêm tiền vào mua giúp cho cái tủ lạnh để có nước mát cho con uống. Nhưng không. Tịch không một lời thèm nhờ vả. Đôi khi Xiêm áy náy lắm. Nhiều lúc ghen thầm trong lòng khi nghĩ vợ đã có ai đó chăm sóc đủ nên không cần đến giúp đỡ của Xiêm nữa. Thế thì Xiêm phải kiếm nhiều tiền, cho thật giàu để vợ sẽ lóa mắt lên mà mơ về lại với Xiêm. 

Nhưng chưa có nhiều tiền để cho vợ lóa mắt lên thì đã phải trở về. Nếu ở nữa thì ăn mà ngồi không trong mùa dịch cũng cụt hết cả vào vốn liếng.

*

Xiêm về đến căn nhà ở trên đồi cây. Thầy đã mất rồi, u về thị xã ở với anh cả. Xiêm trở về lần này, anh cả và u vừa mừng vừa lo. Cô em út lấy chồng làng bên, gần ngay nhà vợ cũ của Xiêm. Nó tin cho Xiêm là, chị ấy vẫn không lấy ai dù có mấy đám mai mối. Vài lần chị ấy gặp em, hỏi cuộc sống của anh thế nào. Nếu anh chị về với nhau thì ra khỏi làng đi. Xiêm lại ngẫm ngợi. Năm nào Xiêm cũng ngập ngừng ở cổng nhà bố vợ tay xách một túi quà Tết. Rồi cuối cùng Xiêm phải nhờ đứa em gái gửi biếu và cuối cùng lại nhận lại túi quà đó. Ông bà nhà vợ giận Xiêm chắc hết đời mất. 

Xiêm trở về, cổng nhà người ở xã đến dán một tờ giấy cách ly. Làng Xiêm đã có sóng điện thoại, internet phủ khắp nơi. Mấy bữa đầu, sáng nào y tế xã cũng ghé qua dí cái nhiệt kế vào trán và đo nhiệt độ. Đến bữa thứ ba thì gọi điện hỏi, bao nhiêu độ rồi. Dạ chỉ có 36 độ thân nhiệt thôi. Ở yên trong nhà nhé, ho hoặc sốt thì báo nhé. Kết quả xét nghiệm lần một, lần hai âm tính.  Trong khu cách ly tập trung huyện đang có một ca dương tính nên người ta nghiêm ngặt với những người trở về lắm. 

Cái túi đồ ăn treo ở cổng còn có cả bánh cuốn nóng. Xiêm gọi cho đứa em gái. Sang sớm thế! Mua cho anh ít mì gạo để anh nấu ăn sáng là được rồi. Cô chu đáo quá! Anh xin nhé! Con bé hơi ậm ừ một tí, rồi nhanh nhảu bảo: Không em không sang! Chắc hàng xóm ai mua cho anh rồi.

Ai mà biết Xiêm thích ăn bánh cuốn. Hàng xóm chỉ có bà góa già ở cổng dưới. Bà ấy già toét cả mắt rồi còn gì. Xiêm nhận điện thoại của con gái gọi. Bố ơi, bố ăn bánh cuốn chưa? Con với mẹ vừa qua treo ở cổng cho bố đó. Khi nào bố được “thả” thì con sang ở với bố nhé! Sao lại là thả, bố có bị bắt đâu mà thả. Thì bố bị nhốt đó thôi. Mẹ bảo là bố bị nhốt trong nhà, không được vào. 

*

Xiêm mong từng ngày hết hạn cách ly. Từ hôm nhận được túi bánh cuốn nóng, Xiêm tự tin tối tối nhắn tin cho vợ cũ hỏi thăm, chờ nhận được tin nhắn mà lòng hồi hộp như lúc mới yêu. Sao mà lịch sự, nhã nhặn, lễ phép với nhau như khách. Mà như khách thật, hai người đã nhận được tờ giấy giải quyết thuận tình ly hôn rồi cơ mà. Công ty điện tử vợ cũ làm đang tạm nghỉ. Hai người rảnh rỗi có khác. Thế rồi một tuần liền cứ đợi tin nhắn đến, rồi đi như thế. Không dám gọi Zalo có webcam vì Xiêm sợ… Sợ đối diện với vết sẹo còn trên trán vợ. 

Xiêm quét dọn nhà sạch bóng. Mấy bác ở dưới xóm gọi to: Hết cách ly rồi nhá. Ra đây lấy quà của thôn gửi nhá! Xiêm đi ra đến cổng thì chỉ thấy có túi quà to đặt ở cổng. Họ đi sang nhà khác hay là giữ khoảng cách… Xiêm xách túi quà lên, bỗng có tiếng gọi to từ chân dốc nhà. Bố ơi, bố ơi! Mừng quá, Xiêm chạy xuống đón con. Vợ cũ với mái tóc xoăn nhẹ, những lọn tóc đã che đi vết sẹo. Xiêm dắt xe lên cho vợ. Bước chân ríu rít giữa đám lá dày của cây đồi trút lá giữa mùa thu. Con bé thích thú với máy tính mới bố mang về. Xiêm ngập ngừng rút trong túi chiếc váy hoa tặng vợ cũ. Vợ cũ nhìn Xiêm, rồi cúi xuống che đi giọt nước đang ngấn lên ở khóe mắt. 

Họ cùng nấu bữa trưa. Trong bếp Xiêm hỏi vợ: Cho anh xem vết sẹo cũ nhé. Xiêm vén lọn tóc lên... Lần đầu, Xiêm nói thành lời xin lỗi. Xiêm hỏi vợ một câu học lỏm được của người trong đó: “Trái tim em đã lành vết thương chưa?”. Vợ Xiêm cười: “Có vỡ đâu mà lành!”. Xiêm mừng quá. Đó là bữa cơm trưa đầu tiên Xiêm được “thả” ra sau bao nhiêu năm bị nhốt trong day dứt. Xiêm khoe và bàn với vợ y như xưa: Anh có một khoản tiết kiệm vài trăm triệu rồi, anh về không đi nữa, mình sẽ mở một hàng bánh ngọt nhé?! Vợ Xiêm cúi xuống hỏi con gái: Con có đồng ý không? Con gái Xiêm thật thà: Mẹ chả bảo là nếu năm nay bố không về thì mẹ đi lấy chồng còn gì! Xiêm cười với con gái: Bố về rồi đây mà!