Người tìm mèo đêm

Ngả người rít một hơi thuốc, phả khói qua song cửa sắt, lão khoan khoái nghĩ đến số tiền hơn 600 nghìn đồng “tăng lương” hưu sẽ có bắt đầu từ tháng này.

Minh họa: TRẦN XUÂN BÌNH
Minh họa: TRẦN XUÂN BÌNH

Bây giờ đã bước qua mồng 1 tháng 1 dương được vài tiếng. Ừ, thì đó cũng là một khoản bù cho tiền điện hằng tháng. Nhiều khi lạ thật, lão tiêu pha rất tùy hứng nhưng lại thấy vui mừng vì từng hào bạc kiếm được. Kệ đời.

Đã qua “giao thừa dương” rồi, hết năm dương lịch. Lạnh. Đám khói thuốc lẩn quẩn trên khung xuyên hoa uốn éo rất nhà quê. Ngôi nhà này lão xây cũng đã trên 30 năm, cái kiểu cách xây dựng hồi ấy nó như vậy. Khuya khoắt. Ánh điện từ cột đèn cách nhà lão một quãng hắt lên mấy mảng tường dãy nhà đối diện, xen kẽ những ô nhỏ thông gió đen hun hút như những hố mắt vuông. Tiếng gáy từ tầng hai nhà nào đó vọng đến như lợn thở, lão nghiêng tai nghe mà quả là không định vị chắc chắn nó vang ra từ ô cửa nào.

Đưa điếu thuốc hút dở lên miệng, lão bỗng thấy trôi qua ngoài ngõ là một bóng người đi xe đạp, khẩu trang trắng nhờ nhờ, áo gió mầu đen, người gầy và hơi khòng. Ai mà đạp xe trong đêm thế này nhỉ?. Chắc là người đi tìm mèo. Trong ngõ nhà lão, thỉnh thoảng lại có tờ giấy dán vào tường: “Ai thấy con mèo mướp trắng nhà tôi thì gọi giúp vào số điện thoại 091xxxxx…”. Đã “mướp” rồi còn “trắng”.

Được năm bài cho báo Tết rồi, lão lẩm nhẩm, cũng đủ mứt rượu và cành đào, may ra còn được chậu lan Đà Lạt như năm ngoái. Khà!

Chiếc xe đạp lại trôi ra. Êm quá, tịnh không nghe tiếng lạch xạch nào như ngày xưa cái xe cà khổ lão vẫn dùng. Tiếng gáy từ dãy trước vẫn đều đều. Cách đây một năm, ngõ nhỏ được trải nhựa theo chương trình giải ngân của thành phố khi tạm ngơi đại dịch Corona. Êm ro.

Hai năm Covid, nhịp sống lão đổi ngày thành đêm, đêm làm ngày. Có đêm, lão quét ngõ loạc xoạc vào lúc ba giờ sáng. Ông hưu trí đối diện nghe biết, cành cạch mở cửa ra đứng chơi cùng rồi rì rầm nói chuyện triều đình. Đêm nay thì im ắng, chỉ thỉnh thoảng gió trên tán bàng lất phất, xao lên một chút.

Rồi “người tìm mèo” lại trôi vào. Lạ nhỉ? Lão nghi nghi vì sao cứ vòng đi vòng lại, ngó nghiêng thế. Hay là kẻ trộm. Lão định mở cửa ra theo dõi nhưng sợ cửa sắt hai lớp sẽ vang lên xủng xoảng. Như một con mèo, lão mò lên tầng hai, thò cổ qua đám cây cảnh ngó xuống dọc ngõ. Lão mỉm cười nghĩ rằng, kẻ trộm đâu chả biết nhưng lão cũng rón rén như một thằng ăn trộm vậy.

Đến cuối ngõ, nơi chiếc xe bốn chỗ để đêm thì người kia vòng lại, dừng xe nhìn lên cây cờ. Chỗ đó có bóng điện nên lão nhìn được và giật mình: thằng Hoạt đầu ngõ. Cái dáng gầy và hơi khòng kia thì đúng rồi. Thằng Hoạt với tay lên, tút cán cờ xuống và nhanh chóng gấp cờ bỏ vào giỏ xe. Hắn lại còn cẩn thận cắm lại cán cờ gỗ lên cái giá inox. Một cái, hai cái, ba cái… từ trong ngõ ra ngoài.

Lão chợt thấy ngứa cổ định hắng lên một tiếng thật to để báo động nhưng tự nhiên nghẹn lại. Đến lượt lá cờ trước cổng nhà lão, lão cũng im. Lúc này, chiếc giỏ xe dường đầy, thằng Hoạt phải dùng tay nén nén xuống. Để hắn đi sang nhà tiếp theo, lão khẽ khàng đẩy cửa vào, mồ hôi trên trán rìn rịn. Lão thở hắt ra một hơi rồi ngồi phịch đầu bậc cầu thang. Trời ơi!

Cái dáng khòng của thằng Hoạt tự dưng làm lão nhớ đến ông hàng xóm ngày xưa ở quê. Cũng mùa này, lão khi đó học lớp sáu, làm đội trưởng đội “Tuần tra măng non” của xóm, cái năm 1967 đạn bom ấy, lão thức dậy sớm học bài, ra bể cạn rửa mặt, bỗng thấy hàng rào ngõ sau có tiếng xành xạch, rồi đầu tóc ướt rượt của ông hàng xóm thò vào, kéo theo bó mía to. Nhà hàng xóm nằm trong, phải đi qua chuồng lợn nhà lão mới tắt ra được bãi mía mênh mông. Lão vào mách với mẹ. Bà vừa nhóm bếp vừa nói: “Mẹ biết, nhưng tội người ta con ạ. Nghèo lắm, chẳng còn gì ăn đâu, kiếm bó mía hợp tác xã nuôi mấy đứa nhỏ đấy. Đừng nói với ai con ạ”.

Thằng Hoạt nhà đầu ngõ. Cũng là dân cựu của cái ngõ phố này. Khi xưa, hắn làm cái lều sửa xe nho nhỏ. Khi chia đất, hắn không có tiêu chuẩn gì nhưng người ta vẫn giữ lều cho hắn. Rồi hắn xây lên ngôi nhà gạch cấp bốn nhưng nền khá cao, trông cũng không đến nỗi dù chiều ngang chỉ hai mét. Vợ hắn lấy rau ngoài chợ bán cho mọi nhà nhưng vụng lắm, toàn rau ế họ tuồn cho, đến chiều là héo quắt, chả ai mua. Càng bán càng lỗ rồi bỏ luôn. Con hắn nghiện và theo bọn trẻ đi trộm cắp.

Thỉnh thoảng, lão cũng đi bộ ra ngõ, ngồi uống trà chén cùng hắn. Hắn khoe con hắn tốt nghiệp đại học rồi, có lẽ sắp làm cao học. Ngạc nhiên hỏi con anh học đâu mà siêu vậy. Hắn cười khà nói: “Đi tù lần một là sơ cấp, lần hai là trung cấp, lần ba là cao đẳng, lần bốn là đại học, sắp tới có lẽ là cao học chứ gì nữa”. Lúc nào hắn cũng đòi trả tiền nước, không cho lão trả. Hắn năm nay đã tuổi 62, thua lão sáu tuổi, xưng em. Trước hắn đi bộ đội, nằm Hà Giang bốn năm, chịu không thấu. Xách theo một em trên đó về, dạt vòm ở phố, làm đủ các việc vặt nuôi nhau. Đến tận 1987 mới sinh được thằng quý tử “học” đủ các cấp kia.

Lão mệt mỏi bước xuống cầu thang, lại ra hành lang hút thuốc. Ngõ nhà lão treo cờ đồng loạt đến hôm qua mới xong. Cả công cả cán cả cờ cả cái giá inox… nghe đâu là chín vạn một bộ. Riêng cờ là hai vạn tư một chiếc vải sa tanh. Hình như kinh phí là của tổ dân phố tiết kiệm được qua một nhiệm kỳ. Trông dãy phố rực rỡ hẳn lên để đón Tết Dương lịch. Những lá cờ còn nguyên nếp gấp vuông vuông bay lật bật khi gió thoảng qua.

Nếu thằng Hoạt đi bán lại, có hơn trăm lá cờ, mỗi lá chắc được 5 nghìn đồng thì hắn cũng chỉ có được 500 nghìn đồng. Sao mà đi ăn trộm cho tội nhỉ. Đêm đông rét mướt.

Lão vào ghế phòng ngoài, đăm đăm ngồi nhìn trần nhà tối om. Lại thèm thuốc làm sao.

Bảy giờ sáng mùng hai, bắt đầu có tiếng lao xao. Biết là có sự rồi, lão vô nhà lấy vội túi lịch lốc mà chiều qua bạn lão ở ngân hàng tặng những bảy bộ. Nghĩ thoáng một cái, lão rút ví lấy hai tờ 500 nghìn xanh bỏ vào phong bì cũ. Tiện tay, mới có gói trà trên bàn, lão bỏ vào luôn và mở cổng đi ra.

Chưa mấy nhà dậy nhưng chỗ ngã ba đã có tiếng kêu xoe xóe: “Cờ mất sạch rồi!”.

Lão bước thẳng ra nhà thằng Hoạt giật cửa. Nhà nó sát ngõ nhưng lại mở cửa ngoài để tiết kiệm tí diện tích. Vợ thằng Hoạt ra mở. Lão cầm túi quà bước vào. Thằng Hoạt trợn mắt đi ra. Hình như hắn cũng không ngủ, mắt thâm quầng:

- Ai cho anh vào nhà tôi!

Nói xong, hắn đưa hai tay xô lão. Theo phản xạ tự nhiên của người chơi thể thao, lão né thật lẹ. Thằng Hoạt mất đà xô tung cửa ngã sấp ra ngoài. Hắn thả gói đồ lao ra đỡ lên và kéo ngay vào nhà đóng cửa lại. Mụ vợ Hoạt vừa vấn đầu xong, run run níu lấy ghi đông chiếc xe đạp Nhật cũ đứng nhìn. Thằng con mắt nhắm mắt mở đi ra và ngáp thật to.

Lão đẩy thằng Hoạt xuống ghế, lấy tay áo phao phủi bụi trên mặt rồi nói rành rẽ:

- Ngày Tết, tôi có quà cho cô chú. Đây là cái lốc lịch ngân hàng. Đây là gói trà, còn đây là mấy đồng tiền nhuận bút. Tôi không có nhiều.

Thằng con đứng nhìn, liếm mép, lườm một cái rồi chui vào chiếc màn gió chân đã rách tươm. Lão tự nhiên thò tay vào túi áo lôi cái ví ra, rút thêm tờ năm trăm bỏ lên bàn.

- Thêm cho cô chú chút này nữa… Còn chuyện lúc đêm ấy mà… thì bỏ hết cho tôi vào cái bao tải, tôi lo, không ai biết đâu.

Thằng Hoạt ngồi ngây ra rồi hai dòng nước mắt chảy lã chã.

- Nhà tôi hết sạch rồi bác ạ. Hai năm Covid còn gì. Giữa năm, tổ dân phố đã cứu trợ ít rau gạo nhưng còn đâu nữa, tôi thì chả có việc gì mà làm cả, đánh liều vậy. Con cái thì…

Lão ôm bao tải nặng, thò đầu ra ngõ không thấy ai bèn bước thẳng ra. Đến chỗ ngoặt nhìn vào, mấy bà hàng phố bắt đầu hót véo von. Lão ôm bọc cờ đi vào:

- Đây đây, tối qua tôi đi thể dục, nghe trời ì ầm, sợ nhỡ mưa gió, cờ ngấm nước, mấy ngày đầu năm nhìn không đẹp. Tôi tạm cất về. Sáng nay đem ra để buộc lại đây.