Làm cô giáo vùng cao

Buổi sáng, choàng tỉnh đã 6 giờ, chạy vội đến chỗ hẹn. Tự nhủ là sẽ đi sớm để săn mây, nhưng hôm đó trời cao nguyên trong quá và xanh quá nên mây trắng dưới thung lũng không tràn lên. 

Trên đỉnh đèo, ngồi chơi với mấy bạn nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số đang chăn bò, ăn sáng bằng ngô luộc rồi tiếp tục đi thêm gần 20 km nữa để đến trường tiểu học và THCS xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ - Sơn La. Đây là điểm trường nội trú khang trang nhất trong xã, nằm dưới chân núi, dãy nhà hai tầng dành làm phòng học. Dãy nhà cấp bốn làm khu hiệu bộ và nhà ở của giáo viên. Mùa mưa, đất từ trên núi tràn xuống ngập tận thềm nhà. Để tiện cho việc đi lại, các thầy cô dùng gạch xỉ lát một con đường nhỏ trong sân. Mùa hè học sinh nghỉ, thầy cô tranh thủ vệ sinh trường lớp, phơi lại chỗ củi mà học sinh đóng góp để dành cho bếp ăn tập thể mùa mưa. Bếp nhà trường vẫn đun củi do các thầy cô kiếm trên rừng và học sinh mang tới.

Dãy nhà bên đường gần trường có một hàng bán đủ thứ từ tạp hóa đến đặc sản vùng miền, kiêm luôn cả quán ăn. Biết tin cô giáo có khách từ Hà Nội lên, chị chủ quán vội làm vài món đặc sản rừng mời khách. Nộm hoa đu đủ đực trộn với quả cà dại và vừng; ốc đá rừng hấp; nhái rừng ôm măng chua; thịt lợn bản nướng.

Đường đến trường của học sinh vùng cao đã vất vả, đường đi dạy của các thầy, cô cũng không kém gian nan. Đường đèo nhiều khúc cua tay áo, trời nắng còn nhìn rõ, gặp hôm sương mù không thể đi nhanh các thầy, cô lại phải dậy sớm hơn, ngâm mình trong cái lạnh vùng cao để đến trường cho kịp giờ. Ngày chưa có cầu Suối Quanh, mùa nước lên các thầy, cô đi từ huyện vào, gửi xe máy bên này suối, đội giáo án lên đầu băng qua suối rồi đi bộ gần 2 km nữa để đến trường. Nhiều hôm trời mưa, gặp đoạn đường sạt lở không lên được trường, đành ngậm ngùi quay về.

Cô Hiền dạy mỹ thuật năm nay ngoài 40 tuổi, đã đi trên cung đường này hơn 10 năm. Môn Mỹ thuật mỗi tuần có một tiết/lớp, mỗi điểm trường chỉ có vài lớp, vì vậy thay vì dạy cố định ở một trường thì cô phải đi hết các điểm trường trong xã. Mỗi điểm cách nhau cả chục cây số. Đi mãi cũng thành quen, cô nhớ từng khúc cua, từng cái cây trên trục đường dài hơn 30 km này. Không yêu nghề và những đứa trẻ trèo đèo vượt suối cả chục cây để đến trường, chắc cô không thể ở đây lâu đến vậy.

Trong số học sinh của mình, cô Hiền đặc biệt yêu quý Hà Thị Giang, nhanh nhẹn, ham học. Ở một bản vùng cao mà có được một học sinh như Giang là điều hiếm. Vì vậy, cô Hiền cố tình phê vào học bạ của Giang là: Có khả năng tập hợp các bạn và làm việc nhóm. Cô hy vọng sau này Giang có thể học lên cao, trở về bản làm cán bộ để phát huy được khả năng của mình. Ấy vậy mà khi đang học năm thứ hai Khoa tiểu học mầm non tại Đại học Tây Bắc, Giang bỏ ngang để lấy chồng. Giang bảo: Học xong về cũng lấy chồng, cũng phải ở nhà chăm con, dành thời gian cho gia đình. Mà học lâu quá thì mình mất cơ hội. 

Nghe chuyện của Giang, tôi càng nghĩ về các thầy, cô vùng cao, ngày đêm gieo những con chữ, khi chưa thể biết trên cánh đồng mênh mông ấy sẽ thu hoạch được bao nhiêu bông lúa chín…