Gió ấm miền đất mẹ

Tháng 7 này, cậu tôi từ Nghĩa trang liệt sĩ Gio Linh về quê hương đã tròn 10 năm. Ngọn gió sông Hồng mát rượi thổi qua cánh đồng Mễ, về Đông Cảo, ru các liệt sĩ an giấc giữa lòng đất mẹ. Đi giữa các hàng mộ chí và thắp hương, như thấy hình ảnh 42 chiến sĩ bị địch giết ngay trên cây đa cổ của làng Đông Kim. 

Bác cả tôi là xã đội trưởng lừng danh của vùng Mễ Sở - Đông Cảo, mà chúng đã từng rao: thưởng 500 đồng Đông Dương cho ai khai báo ông với sếp bốt, vì tội  đã giúp bộ đội chủ lực diệt đồn ác quân Pháp ở vùng này. Bác thường kể cho anh em, con cháu nghe. Và cậu tôi say chuyện đánh giặc của ông anh cả từ bao giờ, một sáng, hớn hở báo tin cho cả nhà đã trúng tuyển bộ đội. Khi ấy cậu  mới bước sang  tuổi 17. Tôi tròn xoe mắt nhìn cậu sắp thành “chú bộ đội” oai phong. Trí nhớ non nớt của tôi ngày ấy còn hình ảnh cậu, người thanh niên yêu ca hát và cưng chiều tôi nhất trong số mấy anh em còn đang tuổi thò lò mũi xanh. Mỗi khi có đội chiếu bóng lưu động về làng, bao giờ cậu cũng nhẹ nhàng chải đầu tết tóc đuôi sam cho tôi và dắt đi xem phim, đến khuya lại cõng tôi ngủ gà ngủ gật trên vai cậu. Đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ cậu nghiêng vai, đặt tôi xuống tấm phản gỗ lim mát rượi, xoa nhẹ lưng  đứa cháu bé bỏng vắng bàn tay mẹ hiền là tự vệ sao vuông đang chiến đấu trên nóc nhà máy trong lòng Thủ đô.

Trước ngày nhập ngũ, cậu dắt tôi ra phố chợ mua cặp tóc, gói kẹo vừng cho tôi và bảo: “Thu thay cậu đỡ ông làm việc nhà nhé. Có khi cậu vào Trường Sơn sẽ gặp bố cháu đấy”. 

Cậu bộ đội rồi, ông cháu tôi mong ngày mong đêm những cánh thư vượt đạn bom bay về làng quê. Những lá thư thưa dần rồi mất hẳn từ đầu năm 1968, khi cậu vào đến Quảng Trị. Rồi một ngày, tôi thấy ông im lặng suốt bữa cơm, mắt đỏ hoe. Linh cảm mách tôi điều chẳng lành! Tháng 7/1968, một buổi tối chỉ có ánh đèn dầu  le lói, che bớt ánh sáng, tránh máy bay Mỹ oanh tạc, xã làm lễ truy điệu cậu tôi và hai liệt sĩ đều hy sinh ở Quảng Trị tháng 4 năm 1968. Trong buổi tang tóc ấy, ông tôi không hề khóc, nhưng chỉ sau hai đêm, tóc ông bạc trắng! Đêm đêm, ông tỉnh giấc, thắp hương. Tôi cũng giật mình, dậy theo ông, nghe tiếng ông gọi rất khẽ: “Con ơi!”. 

Gần nửa thế kỷ sau những ngày đau thương ấy, dì và anh em chúng tôi ngậm ngùi thắp hương trên những ngôi mộ ở Nghĩa trang liệt sĩ Gio Linh, để cậu tạm biệt đồng đội đã bao năm chia sẻ buồn vui trong lòng đất. Trời phật độ trì và phúc ấm tổ tiên đã cho gia tộc tôi may mắn tìm được cậu, một chiến sĩ trinh sát của Trung đoàn 48, Sư đoàn 320, giữa bạt ngàn những ngôi mộ chưa có tên. Rừng săng lẻ cao vút sau nghĩa trang, rì rào, rì rào… như tiễn cậu tôi trở về đất mẹ. Trời Quảng Trị  cao xanh ngằn ngặt… Đến bờ nam sông Hiền Lương, xe dừng lại, để một lần nữa, bái biệt các liệt sĩ. Xót xa, quặn lòng trong giây phút ấy! 

Nơi quê nhà, chiều nay, những nén hương và ngọn nến tri ân đã sáng trên khắp nghĩa trang liệt sĩ! Quân phục của các cựu chiến binh hòa cùng sắc xanh của đoàn viên, thanh niên. Tôi như nghe trong gió tiếng cậu tôi, từ ngoài ngõ gọi: Thu ơi, đến giờ học hát rồi, vào chép bài hát “Chào anh Giải phóng quân” cho cậu, nhanh nhanh cái chân lên nào…