Bắt cua mùa hè

Con cua đồng quen thuộc, gắn bó với bà con nông dân từ xưa đến nay. Với chúng tôi, đám trẻ chăn trâu, trong ba tháng nghỉ hè suốt ngày chạy nhảy trên triền đê, đồng bãi thì con cua đồng còn gắn với ham mê - y như người thợ săn thỏ trên bình nguyên. 

Đó là đồng tiền mọn tự tay mình kiếm được, nuôi lớn con lợn đất. Một phần nhờ con cua nuôi con lợn đất để mà con trai có quần xanh chéo, con gái may được áo phin trắng cổ lá sen chiết ly, tay ôm sách vở mới, háo hức bước vào năm học.

Con cua đào lỗ trên bờ ruộng, chúng bò ra ngoài kiếm ăn, xong lại trốn chui trong lỗ. Cuối tháng tư, người dân tháo nước ra sông Ninh Cơ, ruộng đồng cạn khô, tiện cho công việc gặt hái. Thu hoạch xong vụ chiêm, ruộng đồng trống không, còn trơ gốc rạ và những đụn rạ rơm chưa kịp mang về làm chất đốt, lộ ra bờ ruộng với chi chít lỗ cua đồng. Đây là khoảng thời gian và không gian đầy thú vị cho bọn trẻ  trâu đi bắt cua đồng, con nào con ấy to, mẩy, vàng sậm, “chắc như cua gạch…”.
 
Đi bắt con cua đồng, mang theo giỏ tre đan, chỉ bỏ được cua vào giỏ, còn chúng không thể bò ra được, do vướng hom giỏ. Sau khi thả trâu ăn cỏ trên triền đê xanh ngút ngát. Chúng tôi, nón mê, quần cộc đi men theo bờ ruộng. Việc bắt cua không mấy dễ dàng nếu không có chút kinh nghiệm và sự ham mê thích thú. Ngay việc phân biệt lỗ cua với hang rắn, hang chuột cũng không phải chuyện thường. Hang rắn và hang chuột lỗ đào ăn lên. Lỗ cua đào  gần với ngấn mép nước lúa; cửa vào có nhiều vết chân cua đi. Thêm nữa lỗ cua thường có đất mới đùn lên. Tuy vậy, nhưng chưa chắc khi thọc bàn tay vào đã có cua trong đó mà có thể là cá chuối, cá rô tìm chui vào khi nước ruộng cạn dần và hoặc không có gì do cua đi ăn chưa về. Bởi vậy có câu “tính cua trong lỗ”. Khi chụm năm ngón tay thọc vào lỗ, chạm mai cua có các ngóng ngo ngoe thì nhanh như chớp, chộp lấy nó kéo ra ngoài bỏ ngay vào giỏ.
 
Khi ấy, lan tỏa một cảm giác thích thú, chộn rộn khi hình dung cả nhà ngồi bên mâm cơm với niềm vui giản dị. Ăn cơm có bát canh riêu cua hay đĩa cua đồng rang muối giòn tan thì dù cơm độn hai phần khoai một phần gạo cũng vẫn thấy ngon lành. 

Cũng có khi tay cho vào lỗ cua lại chạm ngay vào càng cua giương sẵn, bị nó cắp đau đến phát khóc. Khi ấy càng động tay, gọng cua càng xiết chặt, hãy cố chịu đau, để tay thật im, thật im, khi con cua nới lỏng gọng kìm thì rút nhanh tay ra chộp ngay lên mai, tóm lấy nó. Những con cua đồng, con nào cũng to, mẩy, mai mầu vàng, toàn thân mầu vàng cháy, hai càng to tướng như hai gọng kìm luôn giương lên, tư thế  sẵn sàng nghiến chặt đối thủ…

Đi bắt cua đồng trên ruộng cũng không kém phần thú vị, lúc này mặt ruộng khô, lội không bị thụt bàn chân. Chỉ việc nhấc những đụn rạ chuyển sang bên, sẽ  lộ ra những chú cua to kềnh, to càng đang tìm ăn thóc còn vương trong gốc rạ. Chúng tôi chỉ việc vồ lấy chúng bỏ vào giỏ. Sau buổi đi bắt cua, chúng tôi thường tụ tập nhau lại mở giỏ đọ xem ai bắt được nhiều để suy tôn hiệp sĩ.

Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ cơm có thịt là điều mơ ước. Tôm cua cá ốc… ở những cánh đồng ngập nước đã nuôi chúng tôi lớn thành những người trai vạm vỡ, đợt tuyển quân nào cũng có mấy thanh niên làng da tươi bánh mật lên đường nhập ngũ. Thư từ chiến trường gửi về vẫn nhắc nhớ những bữa cơm có canh cua đồng đậm đà hương vị.