Liều thuốc tăng lực

Nhằm tái thiết nền kinh tế đang chịu tác động của đại dịch và sớm đưa kinh tế quốc gia trở lại lộ trình tăng trưởng, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua gói kích thích kinh tế có giá trị kỷ lục gần 490 tỷ USD. Ước tính, các biện pháp kích thích sẽ giúp tăng khoảng 5,6% GDP của “đất nước mặt trời mọc”.

Người dân Nhật Bản được hưởng lợi từ gói kích thích kinh tế lần này. Ảnh: REUTERS
Người dân Nhật Bản được hưởng lợi từ gói kích thích kinh tế lần này. Ảnh: REUTERS

Gói kích thích nói trên trị giá 55.700 tỷ yên (tương đương 488 tỷ USD), tăng hơn 20.000 tỷ yên so kế hoạch ban đầu. Phát biểu ý kiến ngay trước khi chính phủ thông qua gói kích thích mới, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, để có nguồn tài chính phân bổ cho gói kích thích này, chính phủ dự định công bố kế hoạch ngân sách bổ sung có giá trị khoảng 31.900 tỷ yên cho tài khóa 2021 kết thúc vào tháng 3/2022, trong phiên họp bất thường của Quốc hội dự kiến diễn ra vào cuối năm nay. Thông qua các biện pháp kích thích, ông Kishida muốn hồi phục nền kinh tế trong nước trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch Covid-19, đồng thời tăng hỗ trợ cho các hộ gia đình và các doanh nghiệp.

Gói kích thích kinh tế bao gồm một số chính sách mang dấu ấn của Thủ tướng Kishida, như thu hẹp khoảng cách thu nhập thông qua việc tăng lương và bảo đảm những lợi ích an ninh kinh tế quốc gia. Để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua đại dịch, Chính phủ Nhật Bản sẽ trợ cấp 100.000 yên tiền mặt và phiếu mua hàng cho mỗi trẻ dưới 18 tuổi trong các hộ gia đình có thu nhập hằng năm dưới 9,6 triệu yên. Dự kiến, biện pháp này cần 2.000 tỷ yên tiền ngân sách. Bên cạnh đó, 2.000 tỷ yên khác cũng được dành để hỗ trợ các gia đình và sinh viên gặp khó khăn về tài chính. 

Ngoài ra, chính phủ nước này sẽ hỗ trợ 2,5 triệu yên cho mỗi doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu do tác động của đại dịch. Các biện pháp mới cũng bao gồm chính sách tăng lương cho lực lượng y tá và nhân viên y tế, nhân viên trường học, nhóm được cho là có mức thù lao chưa hợp lý so các ngành nghề khác. Để giảm gánh nặng tài chính cho các hộ gia đình và doanh nghiệp trong bối cảnh giá khí đốt và các sản phẩm từ dầu mỏ tăng, Nhật Bản cũng có chương trình trợ cấp mới dành cho các nhà phân phối xăng, dầu nhằm kiềm chế giá các sản phẩm này. 

Ngoài ra, nhằm hỗ trợ ngành “công nghiệp không khói” đang gặp khó khăn vì đại dịch, Chính phủ Nhật Bản tuyên bố sẽ chính thức nối lại chương trình kích cầu du lịch “Go To Travel” vào đầu năm tới, sau khi đưa ra một số điều chỉnh. Nhật Bản đã triển khai chương trình kích cầu du lịch “Go To Travel” vào giữa tháng 7/2020, song phải tạm dừng vào cuối năm 2020 khi dịch Covid-19 tái bùng phát. Vào thời điểm đó, Nhật Bản đã chi tới 2.700 tỷ yên cho chương trình này. 

Tham gia chương trình, các du khách sẽ được hỗ trợ 50% chi phí nhưng không vượt quá 20.000 yên (khoảng 175 USD)/người/đêm. Theo điều chỉnh mới nhất, chương trình “Go To Travel” sẽ chỉ hỗ trợ tối đa khoảng 90 USD/người/đêm cho các du khách. Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ phân tích tình hình dịch bệnh trong kỳ nghỉ lễ đón năm mới sắp tới và sau đó sẽ đưa ra quyết định về thời điểm nối lại chương trình “Go To Travel”.

Các biện pháp kích thích của Chính phủ Nhật Bản được kỳ vọng sẽ đưa nền kinh tế “xứ sở hoa anh đào” trở lại mức tăng trưởng như trước đại dịch, trong bối cảnh kinh tế Nhật Bản được nhận định là đang trên đà lao dốc. Văn phòng Chính phủ Nhật Bản thông báo GDP thực tế của nước này trong quý III/2021 giảm khoảng 0,8% so quý trước và 3% so cùng kỳ năm ngoái. 

Đây là lần đầu nền kinh tế lớn thứ ba thế giới suy giảm sau hai quý tăng trưởng liên tiếp. Nguyên nhân chủ yếu khiến Nhật Bản bị tăng trưởng âm là từ tác động tiêu cực của việc ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 4, cũng như sự sụt giảm về doanh số bán xe ô-tô do tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn và các linh kiện khác trên toàn cầu do ảnh hưởng của dịch. 

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, với việc tăng trưởng âm trong quý trên, nhiều khả năng GDP của Nhật Bản sẽ chưa thể hồi phục ở mức trước đại dịch như kỳ vọng của chính phủ nước này vào cuối năm nay. Tuy nhiên, gói kích thích kinh tế mới đang được kỳ vọng sẽ là “liều thuốc tăng lực” vực dậy “sức khỏe” của nền kinh tế vào năm tới.