Vinh danh những “người bảo vệ”

Ngày 8/10, giải Nobel Hòa bình đã xướng tên hai nhà báo Maria Ressa người Philippines và Dmitry Muratov người Nga, vì “những nỗ lực bảo vệ quyền tự do ngôn luận vốn là điều kiện tiên quyết cho nền dân chủ và hòa bình lâu dài”.

Nhà báo Dmitry Muratov. Ảnh: TWITTER
Nhà báo Dmitry Muratov. Ảnh: TWITTER

Theo thông cáo báo chí của Ủy ban Nobel Na Uy, giải Nobel Hòa bình năm 2021 được quyết định trao cho bà Maria Ressa và ông Dmitry Muratov - là những người “đại diện cho các nhà báo đứng lên vì lý tưởng hòa bình trong một thế giới mà dân chủ và tự do báo chí phải đối mặt những điều kiện ngày càng bất lợi”. 

Vinh danh những “người bảo vệ” -0
Nhà báo Maria Ressa. Ảnh: TWITTER 

Nhà báo Maria Ressa là đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Công ty truyền thông kỹ thuật số Rappler. Ra đời từ năm 2012, Rappler được xem là dịch vụ tin tức và diễn đàn hàng đầu cho các nhà báo điều tra ở Philippines. Bà được vinh danh là “một người bảo vệ không sợ hãi cho quyền tự do ngôn luận”. Maria Ressa đã góp phần vạch trần tình trạng lạm dụng quyền lực, sử dụng bạo lực ngày càng gia tăng ở quê hương của bà, đặc biệt là trong chiến dịch chống ma túy gây tranh cãi ở Philippines. Bà và Rappler cũng đã lên tiếng vạch trần các phương tiện truyền thông xã hội lan truyền tin tức giả mạo, gây rối và thao túng dư luận. 

Ủy ban Nobel Na Uy cũng ghi nhận ông Dmitry Andreyevich Muratov trong nhiều thập kỷ đã bảo vệ quyền tự do ngôn luận ở Nga trong điều kiện ngày càng có nhiều thách thức. Năm 1993, ông là một trong những người sáng lập tờ báo độc lập Novaja Gazeta. Kể từ năm 1995 đến nay, ông đã có 24 năm làm Tổng biên tập của tờ báo. Novaja Gazeta đã xuất bản các bài báo chỉ trích về nhiều chủ đề khác nhau, từ tham nhũng, bạo lực, bắt giữ trái pháp luật, gian lận bầu cử... Ủy ban Nobel Na Uy nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do ngôn luận và tự do thông tin góp phần bảo vệ công chúng, qua đó chống lại chiến tranh và xung đột. 

Giải Nobel Hòa bình năm 2021 ghi nhận nhiều nhà báo và tổ chức truyền thông đã được đề cử cho lĩnh vực này. Trong 120 năm qua, nhiều nhà báo đã thể hiện sự đóng góp của họ đối với phong trào hòa bình và nhận được giải thưởng danh giá này. Đó là nhà báo người Đức Carl von Ossietzky, được trao giải Nobel Hòa bình năm 1935; nhà báo, tác giả và nhà kinh tế học người Anh Norman Angell năm 1933; nhà báo người Italia Ernesto Teodoro Moneta được vinh danh năm 1907… 

Hôm nay (ngày 11/10), giải Nobel Kinh tế dự kiến được công bố, khép lại một mùa Nobel nhiều tranh luận. Trước đó, ngày 7/10, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã xướng tên nhà văn Abdulrazak Gurnah là chủ nhân của giải thưởng Nobel Văn học năm 2021. Ông là nhà văn da mầu thứ hai từng đoạt giải thưởng này sau tác giả Toni Morrison, nhận giải năm 1993. Trước đây, giải Nobel từng bị chê trách vì sự “phân biệt” khi tỷ lệ người đoạt giải đến từ Bắc Mỹ và Tây Âu cao hơn nhiều so các khu vực khác trên thế giới. Trong những năm qua, đã có nhiều lời kêu gọi thúc đẩy đề cử Nobel cho các nghiên cứu và cá nhân đến từ khu vực châu Á, Phi, Mỹ latin… Tình trạng bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại,  khi số lượng nhà khoa học nữ đoạt giải còn rất ít. 

Reuters dẫn lời bà Anne Marie Morhed, người đứng đầu Hiệp hội Nữ Viện sĩ Thụy Điển cho rằng, sự bất bình đẳng trong khoa học có thể thấy rõ nếu nhìn vào các con số thống kê người đoạt giải Nobel. Mùa giải năm nay thiếu vắng sự ghi nhận với các nhà khoa học nữ so năm ngoái, khi 9 trong số 10 người được công bố đoạt giải Nobel năm nay đều là nam giới. Bắt đầu tổ chức từ năm 1901, giải Nobel Văn học đã được trao 114 lần cho 118 tác giả, nhưng cho đến nay mới chỉ có 16 nữ văn sĩ đoạt Nobel Văn học, tương đương 13,6%. Ở các giải Nobel Hóa học, Vật lý và Y sinh, tỷ lệ này thậm chí còn thấp hơn. Trong lịch sử 120 năm của giải, chỉ có tổng cộng 10 nhà khoa học nữ từng nhận giải Nobel Vật lý và Hóa học.