Twitter chờ đợi “thay da, đổi thịt”

Đại diện mạng xã hội Twitter vừa công bố chấp nhận lời đề nghị của tỷ phú người Mỹ Elon Musk (trong ảnh) để mua lại công ty. Động thái này dự báo sẽ mang lại nhiều thay đổi cho một trong những mạng xã hội đang có ảnh hưởng nhất thế giới hiện nay. 

Ảnh: CNN
Ảnh: CNN

Bloomberg đưa tin, Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của nhà sản xuất xe điện Tesla và Công ty hàng không vũ trụ SpaceX trước đó đã thỏa thuận mua Twitter với giá 54,2 USD/cổ phiếu, qua đó định giá nền tảng truyền thông xã hội này ở mức 44 tỷ USD. Twitter là mạng xã hội ra đời đã 16 năm, được ví là “quảng trường” của thế giới kỹ thuật số và hiện có khoảng 206 triệu tài khoản trên toàn thế giới. Người sử dụng mạng xã hội với biểu tượng là con chim xanh này hết sức đa dạng với đủ mầu da, giới tính, từ trẻ đến già, cả giới chính khách, người nổi tiếng cho tới các tổ chức quốc tế, truyền thông... Đây là nơi họ bàn luận hoặc theo dõi các vấn đề theo lĩnh vực quan tâm hoặc chia sẻ những suy nghĩ hằng ngày.

Cựu CEO Twitter, ông Jack Dorsey đánh giá thỏa thuận giữa tỷ phú Elon Musk và Twitter đã giúp giải quyết những bất cập của mạng xã hội này khi lâu nay không thể hoạt động thống nhất với tư cách là một công ty, do các cổ đông nắm giữ cổ phiếu phân tán. Kể từ sau phát hành cổ phiếu ra công chúng, các nhà đầu tư Phố Wall và nhiều công ty quảng cáo đã mua phần lớn cổ phần để kiểm soát mạng xã hội này. Cuộc thỏa thuận giữa tỷ phú hãng Tesla và các cổ đông Twitter dự kiến ​​sẽ kết thúc vào cuối năm nay. Cho đến khi đó, Twitter sẽ chính thức thuộc quyền sở hữu của người giàu nhất thế giới. Theo dữ liệu của tạp chí Forbes, Elon Musk với khối tài sản được định giá 269,7 tỷ USD đã vượt lên trên tỷ phú Jeff Bezos, trở thành người giàu nhất hiện nay.

Vụ bán Twitter cũng được kỳ vọng sẽ “thay da đổi thịt” đáng kể cho mạng xã hội này. Cách đây hai tuần, ông chủ của Tesla từng thuyết trình về những suy nghĩ và dự định sẽ tiến hành một khi mua lại được Twitter. Tỷ phú Musk cho hay, sẽ thực hiện các bước đi để định hình lại mạng xã hội mà không đặt nặng góc độ kinh tế. Theo đó, việc đầu tiên ông làm là gỡ bỏ bớt những kiểm duyệt của Twitter hiện nay, để các thuật toán ưu tiên dòng trạng thái (tweet) ở chế độ công khai và hạn chế các dịch vụ quảng cáo. Tỷ phú cũng hứa hẹn sẽ nâng cao nền tảng với các tính năng mới thân thiện với người dùng, chẳng hạn như cho phép người dùng chỉnh sửa lại những gì đã viết ra và cam kết loại bỏ các tài khoản, tin nhắn “rác” thường gửi hàng trăm “tweet” không mong muốn đến người sử dụng.

Ông chủ Tesla cho rằng, Twitter đã không được sử dụng hết tiềm năng và khẳng định sẽ “mở khóa” cho người dùng. Mặc dù có quy mô chỉ bằng khoảng 10% so nền tảng truyền thông xã hội lớn như Facebook, song Twitter từng tạo ra những hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ. Vụ mua lại mạng xã hội “chim xanh” có thể đem lại một công cụ tiếp thị miễn phí và quảng bá hữu hiệu cho ông chủ Tesla. Hơn thế nữa, thương vụ đình đám này sẽ giúp cho tỷ phú hàng đầu thế giới nắm quyền kiểm soát nền tảng truyền thông xã hội có hàng triệu người dùng. Động thái của Elon Musk còn được so sánh tương tự với việc tỷ phú Jeff Bezos từng mua lại quyền kiểm soát các công ty truyền thông có ảnh hưởng trước đây, trong đó có vụ thâu tóm tờ The Washington Post năm 2013. 

Mặc dù vậy cũng có nhiều ý kiến lo ngại rằng, một khi mạng xã hội này ít bị kiểm duyệt hơn hoặc khôi phục tài khoản cho một số cá nhân bị cấm có thể làm gia tăng ngôn từ thù địch, gây kích động hoặc lan truyền tin giả. Năm 2021, mạng xã hội Twitter từng tuyên bố đóng vĩnh viễn tài khoản của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump do quan ngại ông lan truyền các phát biểu làm căng thẳng xã hội và kích động biểu tình. Các cơ quan quản lý cũng đang chú trọng giám sát, kiểm soát sức ảnh hưởng của các nền tảng truyền thông xã hội tránh gây những hiệu ứng tiêu cực cho người dùng.