Nữ chủ tịch trẻ tuổi nhất lịch sử EP

Bà Roberta Metsola (trong ảnh), nữ nghị sĩ người Malta vừa được bầu làm Chủ tịch mới của Nghị viện châu Âu (EP), thay ông David Sassoli, người qua đời gần đây vì trọng bệnh. Bà Metsola năm nay 43 tuổi, là phụ nữ trẻ tuổi nhất đảm nhiệm cương vị này.

Ảnh: POLITICO
Ảnh: POLITICO

Theo CNN, cuộc bầu cử Chủ tịch EP thay ông Sassoli đã diễn ra ngày 18-1 vừa qua. Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thay vì bỏ phiếu trực tiếp theo thông lệ tại trụ sở của EP ở thành phố Strasbourg (Pháp), các nghị sĩ EP năm nay đã tiến hành bầu cử theo hình thức trực tuyến. Kết quả, bà Metsola đã nhận được 458 trên 616 phiếu ủng hộ. Đặc biệt, nữ nghị sĩ người Malta giành chiến thắng vào đúng ngày sinh nhật tuổi 43.

Với việc giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua, bà Roberta Metsola sẽ là nữ Chủ tịch thứ ba của EP kể từ khi cơ quan này áp dụng hình thức bỏ phiếu trực tiếp năm 1979, sau hai phụ nữ tiền nhiệm người Pháp là bà Simone Veil và bà Nicole Fontaine. Ngoài bà Metsola, còn ba ứng cử viên nữa tham gia vào cuộc bầu cử Chủ tịch EP, gồm nghị sĩ người Thụy Điển Alice Bah Kuhnke, nghị sĩ Kosma Złotowski (Ba Lan) và nghị sĩ Sira Rego (Tây Ban Nha).

Bà Roberta Metsola trở thành nghị sĩ EP năm 2013 sau hai lần gặp thất bại trước đó. Bà là một trong những người vận động tích cực nhất, có nhiều đóng góp đưa Malta trở thành một thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Năm 2020, bà giữ cương vị Phó Chủ tịch cơ quan này. Đến đầu năm 2022, bà trở thành Chủ tịch tạm quyền của EP sau khi ông David Sassoli qua đời. Nhận xét về bà Metsola, nghị sĩ bảo thủ người Hy Lạp Stelios Kympouropoulos miêu tả “đây là một người đủ khả năng để trở thành gương mặt đại diện cho một EP hướng ngoại và mạnh mẽ”.

Theo The Guardian, là thành viên của Ủy ban Tự do dân sự, Tư pháp và Nội vụ, bà Metsola bảo vệ quyền tị nạn ở EU. Bà cũng nổi tiếng với quan điểm chống phá thai, nhiều lần bỏ phiếu phản đối việc công nhận quyền phá thai. Giới chuyên gia cho biết, quan điểm này của bà Metsola không gây ngạc nhiên bởi Malta, quê hương của bà Metsola, là nơi có luật phá thai nghiêm ngặt nhất thế giới và cũng là quốc gia duy nhất của EU cấm điều này. Tuy nhiên, bà khẳng định sẽ đại diện cho quan điểm chung của EP, kể cả khi quan điểm này trái ngược với quan điểm của bà.

Trước khi cuộc bầu cử diễn ra, bà Metsola cho biết, bà bị ảnh hưởng bởi những người phụ nữ mạnh mẽ, do đó bà muốn giành chiến thắng để tiếp tục lan tỏa cảm hứng cho phụ nữ trên khắp thế giới. Trong suốt chiến dịch tranh cử, bà cũng bày tỏ trên mạng xã hội Twitter rằng đã đến lúc để phụ nữ lãnh đạo EP và cơ quan này nên kết nối với người dân châu Âu. 

Sau khi thông tin bà Metsola trở thành Chủ tịch EP được công bố, các nhà lãnh đạo thế giới đã gửi lời chúc mừng tới người đứng đầu EP. AP cho biết, bà Metsola nhậm chức trong giai đoạn quan trọng khi EP đang phải đối mặt những vấn đề gây nhiều bất đồng như giảm khí thải carbon, số hóa nền kinh tế, làn sóng người di cư, tăng cường năng lực quân sự của khối và siết chặt việc tuân thủ cơ chế pháp quyền của EU. Không chỉ vậy, ở cương vị người đứng đầu một trong ba thể chế lớn nhất của EU, bà Roberta Metsola sẽ phải xử lý nhiều vấn đề lớn như các dự luật về ngân sách của EU, hay tiến trình phê chuẩn các hiệp định thương mại - đầu tư của EU với các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.