Nỗ lực thay đổi của Facebook?

Ngày 19-10 vừa qua, trang công nghệ The Verge (Mỹ) tiết lộ kế hoạch đổi tên mạng xã hội Facebook của tỷ phú Mark Zuckerberg (trong ảnh). Sau tiết lộ mới đây về “mặt trái” của Facebook và sự giám sát ngày càng gắt gao của nhà chức trách, động thái trên được xem là nỗ lực tự đổi mới bản thân của mạng xã hội này.

Ảnh: AP
Ảnh: AP

Facebook không phải là công ty công nghệ nổi tiếng thế giới đầu tiên có kế hoạch thay đổi tên, khi công việc kinh doanh ngày càng mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác. Vào năm 2015, Tập đoàn công nghệ Google đã tổ chức lại hoàn toàn dưới quyền công ty mẹ có tên là Alphabet, một phần để báo hiệu rằng nó không còn là một công cụ tìm kiếm đơn thuần mà đã trở thành một tập đoàn khổng lồ, sở hữu cả các công ty sản xuất ô-tô không người lái hoặc công nghệ y tế… Việc đổi thương hiệu có thể sẽ đặt ứng dụng Facebook trở thành một trong nhiều sản phẩm thuộc một công ty mẹ giám sát, cùng Instagram, WhatsApp, Oculus…

Kế hoạch thay đổi tên của Facebook đến vào một thời điểm đặc biệt. Công ty trị giá gần 1.000 tỷ USD đang phải đối mặt vụ bê bối lớn nhất trong những năm qua liên quan các tài liệu nội bộ do cựu nhân viên Frances Haugen tiết lộ. Cùng với đó, sự giám sát chống độc quyền từ các nhà lập pháp và cơ quan quản lý đối với mạng xã hội nhiều người dùng nhất thế giới này ngày càng gia tăng.

Giới chuyên gia đặt câu hỏi rằng, việc thay đổi tên có phải để làm “sao nhãng” những vấn đề lớn đó, hay là dấu hiệu cho thấy nhiều thay đổi sắp xảy ra? Bất chấp tất cả các vụ bê bối công khai, công ty vẫn thành công rực rỡ về mặt tài chính, đạt doanh thu hàng chục tỷ USD mỗi quý. Mặc dù cổ phiếu của Facebook đã giảm 5% ngay sau khi những tiết lộ của Frances Haugen và hai sự cố “sập mạng” bất thường xảy ra, nhưng giá trị của công ty đã tăng trở lại. Từ đó có thể thấy, dường như Mark Zuckerberg muốn đổi tên là vì một lý do khác quan trọng hơn, câu trả lời có thể là hướng sự tập trung vào môi trường ảo mang tên Metaverse.

Metaverse là một khái niệm mới, phản ánh nỗ lực kết hợp công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) trong không gian trực tuyến mang tính tiên phong. “Khi bắt đầu hành trình đưa Metaverse vào cuộc sống, nhu cầu về các kỹ sư chuyên môn cao là một trong những ưu tiên cấp bách nhất của Facebook”, ông Nick Clegg - Phó Chủ tịch phụ trách toàn cầu của Facebook cho biết. Trên thực tế, hãng đã lên kế hoạch tuyển dụng hơn 10.000 chuyên viên xây dựng phần cứng liên quan thực tế ảo từ các nước châu Âu. Trước đó, vào tháng 7, trả lời phỏng vấn The Verge, CEO Mark Zuckerberg cho biết: “Trong vài năm tới, chúng tôi sẽ chuyển đổi một cách hiệu quả từ một công ty truyền thông xã hội thành một công ty cung cấp môi trường Metaverse”. 

Tuy nhiên, Metaverse vẫn chưa phải là một khái niệm được nhiều người hiểu. Thuật ngữ này trong lĩnh vực công nghệ đề cập tới một thế giới ảo khổng lồ. Nhưng khác internet ở chỗ, Metaverse cho phép hàng triệu người truy cập và tương tác cùng lúc thông qua hình đại diện kỹ thuật số. Người dùng có thể sử dụng nó để tổ chức các cuộc họp ảo, giao dịch các tài sản hoặc nhiều hoạt động khác trong thời gian thực. Tháng 9 vừa qua, Facebook đã công bố khoản đầu tư 50 triệu USD để tài trợ cho hoạt động nghiên cứu hợp tác với các tổ chức phi lợi nhuận, chính phủ và trường đại học nhằm phát triển các sản phẩm có trách nhiệm cho Metaverse.

Khi thế giới chờ đợi để tìm hiểu thêm về việc đổi thương hiệu của Facebook, một chi tiết quan trọng nữa cần theo dõi đó là liệu có sự thay đổi cấu trúc lớn trong nhân sự cấp cao của công ty hay không. Trước đây, khi Google tái cấu trúc các ngành nghề kinh doanh vào năm 2015, các nhà đồng sáng lập Larry Page và Sergey Brin là những người tiên phong đảm nhiệm các hoạt động mang tính thử nghiệm. Hiện tại, Facebook mới chỉ bổ nhiệm Andrew Bosworth làm Giám đốc công nghệ để phát triển các thiết bị VR và AR cho Metaverse, như tai nghe Oculus Quest VR. Tuy nhiên, người phát ngôn Facebook vẫn chưa có bình luận gì chung quanh thông tin The Verge đăng tải.