Diễn biến căng thẳng tại Sudan

Cộng đồng quốc tế đang nỗ lực kêu gọi các phe phái ở Sudan tổ chức đối thoại, trong bối cảnh cuộc đảo chính quân sự đang làm chao đảo quốc gia châu Phi này. 

Quân đội Sudan trên đường phố Thủ đô Khartoum. Ảnh: AFP
Quân đội Sudan trên đường phố Thủ đô Khartoum. Ảnh: AFP

Ngày 25/10, Reuters dẫn thông cáo của Bộ Thông tin Sudan xác nhận quân đội nước này đã bắt giữ hầu hết thành viên Chính phủ Sudan trong cuộc đảo chính diễn ra cùng ngày, đồng thời quản thúc Thủ tướng Abdalla Hamdok tại một địa điểm chưa được xác định. Ngày 26/10, ông Hamdok đã được trả tự do và trở về nhà.

Chính biến đã khiến tình hình Sudan trở nên hỗn loạn. Sân bay Thủ đô Khartoum đã phải đóng cửa và hủy bỏ toàn bộ các chuyến bay quốc tế khởi hành hay hạ cánh tại đây. Theo AFP, quân đội kiểm soát những cửa ngõ chính dẫn vào Thủ đô Khartoum. Binh sĩ bắn đạn thật để trấn áp các cuộc biểu tình của hàng chục nghìn người ủng hộ chính phủ chuyển tiếp khi họ tới gần trụ sở Bộ Quốc phòng. Bộ trưởng Ngoại giao Sudan, Mariam Sadig al-Mahdi khẳng định, người dân nước này phản đối cuộc đảo chính quân sự đang diễn ra và sẽ đấu tranh đến cùng. 

Trước đó, vào tháng 4/2019, Tổng thống Sudan khi đó là ông Omar al-Bashir cũng từng bị lật đổ sau một cuộc đảo chính quân sự. Sự kiện này làm bộc lộ mâu thuẫn khó hóa giải giữa các tướng lĩnh quân đội, vốn nắm quyền kiểm soát trong suốt nhiều năm, với phong trào ủng hộ chính phủ dân sự. Sau gần bốn tháng nỗ lực đàm phán, hai bên đã nhất trí để Hội đồng cầm quyền Sudan, gồm các đại diện quân sự và dân sự cùng điều hành đất nước từ tháng 8/2019. Theo đó, phía quân sự chịu trách nhiệm lãnh đạo đất nước trong 21 tháng đầu, sau đó chuyển giao cho chính quyền dân sự cầm quyền trong 18 tháng tiếp theo. 

Mặc dù vậy, Sudan đã trải qua một quá trình chuyển đổi chính trị bấp bênh khi các thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa hai phe quân sự - dân sự luôn trong tình trạng xung đột. Trong thời gian cầm quyền, Chính phủ của Thủ tướng Abdalla Hamdok đã thúc đẩy nhiều biện pháp nhằm tiến tới chuyển giao hoàn toàn sang chế độ dân sự, dự kiến vào tháng 11 tới. Tuy nhiên, những động thái này khiến gia tăng căng thẳng, khoét sâu thêm chia rẽ chính trị và tranh giành quyền lực. Tháng 9 vừa qua, phe ủng hộ chính phủ dân sự cáo buộc các chỉ huy quân đội tranh giành quyền lực. Trong khi đó, phía ủng hộ quân đội và phản đối chính phủ dân sự cũng cho rằng các thành viên dân sự trong Hội đồng cầm quyền chuyển tiếp của nước này đã gây chia rẽ trong hai năm qua. 

Trong bối cảnh đó, người đứng đầu lực lượng vũ trang Sudan, Tướng Abdel Fattah al-Burhan, người được cho là đứng sau cuộc đảo chính ngày 25/10 đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc và thông báo giải tán Hội đồng cầm quyền và chính phủ chuyển tiếp của nước này. Đồng thời, ông Abdel tuyên bố sẽ thành lập một “chính phủ đại diện độc lập và công bằng” nắm quyền đến năm 2023, khi cuộc bầu cử được tổ chức. Theo đó, ông Burhan cho biết, Sudan vẫn kiên định với các thỏa thuận quốc tế mà nước này đã ký kết cũng như nhắc đến khả năng “chuyển đổi sang một chính phủ dân sự”. 

Cuộc đảo chính đe dọa khu vực vốn đã nhiều bất ổn và gây ra “khủng hoảng kép” về kinh tế - chính trị khi Sudan đang trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng và phải phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài. 

Cộng đồng quốc tế đã gấp rút ra tuyên bố kêu gọi Sudan giải quyết những bất đồng thông qua đối thoại để duy trì hòa bình và ổn định. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU), ông Moussa Faki Mahamat cũng hối thúc nối lại đối thoại giữa lực lượng dân sự và quân sự tại Sudan. Ông Moussa nhấn mạnh, “đối thoại và đồng thuận” là con đường duy nhất để hỗ trợ Sudan trong tiến trình chuyển tiếp dân chủ đang gặp khó khăn.