Điểm nóng khó “hạ nhiệt”

Những ngày đầu năm mới 2022, châu Âu tiếp tục chứng kiến nhiều con thuyền chở người di cư tìm cách vượt Địa Trung Hải để cập bến “lục địa già”. Trong đó, eo biển Manche nối Anh và Pháp vẫn là tuyến hàng hải “nóng” nhất, với nhiều vụ vượt biển bất hợp pháp diễn ra hằng ngày.

Một nhóm người di cư vượt biển bằng xuồng thô sơ. Ảnh: AFP
Một nhóm người di cư vượt biển bằng xuồng thô sơ. Ảnh: AFP

BBC ngày 11/1 cho hay, lực lượng cứu hộ của Anh đã giải cứu một nhóm người di cư đang tìm cách vượt eo biển Manche, trong đó có phụ nữ và trẻ em. Nhóm người này đã lênh đênh trên một chiếc xuồng cao-su suốt nhiều ngày, không còn thực phẩm và nước uống. Đây là một trong nhiều vụ người di cư tìm cách vượt biển để tới Anh trong những ngày đầu năm 2022.

Eo biển Manche là tuyến hàng hải chứng kiến những hành trình vượt biên đầy nguy hiểm của những người di cư muốn chạy trốn chiến tranh và nghèo đói ở quê nhà, với hy vọng đến được Anh để tìm cuộc sống mới. Thống kê của Bộ Nội vụ Anh cho thấy, trong năm 2021, số lượng kỷ lục hơn 28.000 người di cư đã đến Anh trên những chiếc thuyền không đủ điều kiện an toàn. Con số này cao gấp ba lần so số lượng ghi nhận trong năm 2020. Riêng tháng 11/2021, lực lượng cứu hộ của Anh ghi nhận con số kỷ lục, với gần 7.000 người đã tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi để vượt biển. Tuy nhiên, một bi kịch đã xảy ra vào ngày 24/11, khi con xuồng cao-su chở 27 người di cư bị lật ngoài khơi nước Pháp trong hành trình đến Anh, làm toàn bộ số người trên xuồng thiệt mạng.

Làn sóng người di cư cũng gây căng thẳng trong quan hệ giữa Anh và Pháp, khi hai nước liên tục đổ lỗi cho nhau đã không làm tròn trách nhiệm ngăn chặn người vượt biên bất hợp pháp. Cả hai bên dù đã rất nỗ lực ngăn chặn các mạng lưới buôn người song do số người di cư quá nhiều, cơ quan chức năng không thể đủ nguồn lực để giám sát. 

Ngày 11/1 vừa qua, Cơ quan Biên giới châu Âu (Frontex) công bố số liệu cho thấy, gần 200.000 người di cư bất hợp pháp đã đến các nước Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2021. Đây là con số cao kỷ lục kể từ năm 2017. AFP dẫn số liệu của Frontex cho hay, số lượng người nhập cư trái phép vào EU cao hơn 57% so năm 2020-thời điểm mà các biện pháp hạn chế do đại dịch Covid-19 đã làm giúp giảm đáng kể số lượng những người này, nhưng cũng cao hơn 36% so năm 2019. 

Frontex cũng nhấn mạnh, số lượng người di cư bất hợp pháp cao kỷ lục đến EU trong năm 2021 cho thấy sự gia tăng áp lực di cư không chỉ xuất phát từ việc các biện pháp hạn chế đi loại toàn cầu được dỡ bỏ, mà còn do tăng mạnh dòng người di cư chủ yếu từ Trung Đông, qua Belarus. Frontex cũng ghi nhận lượng người di cư đến từ phía trung Địa Trung Hải, Tây Balkan và Cyprus tăng mạnh. Theo thống kê, hơn 65.000 người di cư bất hợp pháp (chiếm 30% tổng số người di cư) đã đến châu Âu qua ngả Địa Trung Hải, tăng 83% so năm 2020. Kế đến là Tây Balkan, tăng 124% lên mức 60.540 người nhập cư trái phép. Tại Cyprus, mức tăng tương ứng 123% lên 10.400 người. 

Cũng theo ghi nhận của Frontex, trong năm 2021, người Syria chiếm số lượng lớn nhất trong dòng người nhập cư trái phép vào EU, tiếp đến là công dân các nước Tunisia, Morocco, Algeria và Afghanistan. Trong năm ngoái, dòng người tị nạn tiếp tục hướng tới “miền đất hứa” là châu Âu, trong đó Đức vẫn là điểm đến được “yêu thích” nhất.

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), từ tháng 1 đến tháng 9/2021, tổng cộng 355.000 đơn xin tị nạn được đăng ký lần đầu tại các nước EU, tăng 15% so cùng kỳ năm 2020. Riêng tại Đức, số lượng đơn xin tị nạn trong thời gian này là 100.240 trường hợp, tăng 33% so cùng kỳ năm ngoái và gấp đôi so với mức tăng trung bình của EU. Với số lượng đơn xin tị nạn như trên, Đức vẫn là điểm đến chính của người tị nạn. 

Eurostat cho hay, các điểm đến quan trọng khác của người xin tị nạn là Pháp (20% tổng số đơn xin tị nạn), Tây Ban Nha (11%) và Italy (8%). Như vậy, số đơn đăng ký tị nạn tại bốn nước đông dân nhất EU đã chiếm khoảng hai phần ba tổng số đơn xin tị nạn tại EU. Trong khi đó, Hungary là quốc gia tiếp nhận ít người tị nạn nhất EU: chỉ 30 trường hợp trong chín tháng đầu năm 2021.