Thận trọng khi cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu

Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 8857/CĐ-VPCP ngày 3/12/2021 chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Thế nhưng, sự bát nháo của thị trường trái phiếu doanh nghiệp dường như vẫn chưa bớt được phần nào. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần quyết liệt vào cuộc, tăng cường thanh tra, kiểm tra, yêu cầu minh bạch hóa thông tin về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, bao gồm cả các thông tin liên quan tình hình tài chính của tổ chức phát hành, các trái chủ, mục đích và quá trình sử dụng vốn trái phiếu, ngăn chặn tình trạng phát hành trái phiếu để trả nợ trái phiếu trước đó, tránh tình trạng các doanh nghiệp vô danh phát hành trái phiếu “ba không”, tránh thiệt hại cho nhà đầu tư, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật, để thị trường tài chính hoạt động an toàn, ổn định và tuân thủ quy định của pháp luật.

Nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ rủi ro khi mua trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh: SONG ANH
Nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ rủi ro khi mua trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh: SONG ANH

Sau khi sự việc bất thường trong đấu giá đất tại Thủ Thiêm diễn ra, gần như ngay lập tức Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi. Sau đó, hai công ty tham gia trúng đấu giá đã quyết định không tiếp tục thực hiện hợp đồng mua bán tài sản, chấp nhận mất khoản đặt cọc ban đầu. Cụ thể: Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, số tiền trúng đấu giá 24.500 tỷ đồng, số tiền cọc 588 tỷ đồng; Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh thương mại Bình Minh, số tiền trúng đấu giá 5.026 tỷ đồng, số tiền cọc 145 tỷ đồng. Còn hai công ty trúng đấu giá khác là Công ty CP Dream Republic, số tiền trúng đấu giá là 3.820 tỷ đồng và Công ty CP Sheen Mega, số tiền trúng đấu giá là 4.000 tỷ đồng vẫn chưa nộp tiền cho đến thời điểm này. Theo Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, thời hạn đóng 50% số tiền trúng đấu giá của hai công ty này là ngày 7/2/2022, thời hạn đóng 50% số tiền còn lại là ngày 7/4/2022. Thế nhưng, đến thời điểm 25/3/2022, hai công ty này vẫn chưa hề có động thái gì ngoài việc “hứa hẹn” sẽ không bỏ cọc. Như chúng tôi đã thông tin, Công ty Dream Republic và Công ty Sheen Mega đều có năng lực tài chính yếu kém, hoạt động kinh doanh thua lỗ.

Trong chuyển động của thị trường tài chính gần đây, bất ngờ xuất hiện bốn công ty gần như vô danh nhưng đã phát hành một lượng trái phiếu doanh nghiệp cực lớn vào tháng 1/2022 bao gồm: Công ty CP đầu tư xây dựng Tường Khải (Tường Khải) phát hành 2.990 tỷ đồng, Công ty CP đầu tư và phát triển Eagle Side (Eagle Side) phát hành 3.930 tỷ đồng, Công ty CP xây dựng Minh Trường Phú (Minh Trường Phú) phát hành 2.950 tỷ đồng, Công ty CP Đại Phú Hòa (Đại Phú Hòa) phát hành 3.560 tỷ đồng. Bốn công ty này đều có ít nhiều liên hệ với một tập đoàn bất động sản lớn phía nam. Ngoài ra, Công ty CP Bông Sen, có ít nhiều lên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng phát hành 4.800 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 1/2022. Tổng cộng 5 công ty này đã phát hành 18.230 tỷ đồng trái phiếu, chiếm đến 68% lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong ba tháng đầu năm 2022. 

Công ty Tường Khải được thành lập tháng 6/2020, tiền thân là Công ty CP Charm Grace, vốn điều lệ 320 tỷ đồng. Đến tháng 9/2020 đổi tên thành Công ty Tường Khải. Đến tháng 1/2022, cùng thời điểm phát hành trái phiếu, Tường Khải tăng vốn lên 661,5 tỷ đồng. 

Công ty Eagle Side thành lập tháng 6/2017, vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Đến tháng 1/2022, Eagle Side tăng vốn lên 739,5 tỷ đồng. 

Công ty Minh Trường Phú thành lập tháng 5/2020, vốn điều lệ 460 tỷ đồng.

Công ty Đại Phú Hòa thành lập từ tháng 12/2018, vốn điều lệ 370 tỷ đồng.

Bốn công ty này đều không phải là công ty đại chúng nên hoàn toàn không có thông tin về tình hình hoạt động và tài chính cũng như các thông tin liên quan mục đích sử dụng vốn trái phiếu, trái chủ, lãi suất, điều kiện trái phiếu... Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, các công ty này đều không có hoạt động kinh doanh, thậm chí Eagle Side giai đoạn 2017-2020 có doanh thu bằng không. Nguồn vốn thành lập nên các doanh nghiệp này cũng là một dấu hỏi lớn khi mà không có thông tin chứng minh vốn góp thực tế. 

Với các công ty như vậy nhưng huy động hàng chục nghìn tỷ đồng từ phát hành trái phiếu thì một dấu hỏi lớn cần đặt ra là ai là người đã mua các trái phiếu này.

Ngoài ra, Công ty Bông Sen, không chỉ nổi tiếng với thương vụ mua lại 51% vốn tại tổ hợp khách sạn Daeha vào năm 2015, mà còn sở hữu hàng loạt dự án đất vàng tại TP Hồ Chí Minh như: Khách sạn Palace Saigon (56-66 Nguyễn Huệ), khách sạn Bông Sen Sài Gòn (Bong Sen Hotel Saigon, 117-123 Đồng Khởi), nhà hàng Bier Garden (số 125 Đồng Khởi), nhà hàng café Brodard (131-133 Đồng Khởi), khách sạn Bông Sen Annex (61-63 Hai Bà Trưng),… Công ty Bông Sen vừa phát hành xong 4.800 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 1/2022, nâng tổng số tiền huy động từ trái phiếu của Bông Sen đến thời điểm tháng 3/2022 là 7.200 tỷ đồng. Trong đó, tháng 8/2021, Bông Sen phát hành 4.800 tỷ đồng trái phiếu (đã đáo hạn 2.400 tỷ đồng, còn lại 2.400 tỷ đồng), tháng 10/2021 tiếp tục phát hành 4.800 tỷ đồng trái phiếu, báo cáo thực hiện xong trong tháng 01/2022. Trái chủ đều là các doanh nghiệp ẩn danh, không công bố thông tin. 

Đáng chú ý, Bông Sen có lịch sử phát hành trái phiếu nhằm đảo nợ cho các lô trái phiếu trước đó. Vào năm 2017, Bông Sen đã phát hành trái phiếu, kỳ hạn hai năm, tổng giá trị phát hành 5.473 tỷ đồng. Đến năm 2019, khi lô trái phiếu này đáo hạn, Bông Sen tiếp tục phát hành 6.450 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn hai năm để tái cơ cấu khoản nợ đồng thời duy trì mục tiêu thực hiện dự án đầu tư. Đến năm 2021, khi lô trái phiếu này đáo hạn, vào tháng 8/2021, Bông Sen tiếp tục phát hành 4.800 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn một năm, trong đó sử dụng 4.320 tỷ đồng để cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu trước đó. Đến tháng 10/2021, Bông Sen tiếp tục phát hành thêm 4.800 tỷ đồng trái phiếu nhưng không công bố mục đích phát hành. Không những thế, trong khi phải phát hành trái phiếu để đảo nợ thì Bông Sen lại sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu của mình để mua trái phiếu của các công ty khác như Công ty TNHH Yamagata hay Công ty CP Azura, những đối tác tài chính đã mua chứng chỉ tiền gửi của Ngân hàng VPBank. Điều này liên tưởng đến việc Bông Sen chỉ là cầu nối để dẫn vốn từ các trái chủ của trái phiếu Bông Sen đến người sử dụng vốn cuối cùng là VPBank và có hay không chiều ngược lại. 

Lịch sử phát hành trái phiếu của một doanh nghiệp như Bông Sen không phải là hy hữu mà đang dần trở nên phổ biến, khi mà trong trường hợp không trả được nợ, nhiều doanh nghiệp đã tiếp tục phát hành trái phiếu để đảo nợ cho trái phiếu đã phát hành trước đó, kéo dài khoản nợ thêm nhiều năm nữa. Mặt khác, doanh nghiệp có thể huy động hàng nghìn tỷ đồng để sử dụng với mục đích hoàn toàn khác so với kế hoạch sử dụng vốn trái phiếu ban đầu. Một công ty khác cũng thuộc nhóm Bông Sen là Công ty CP Bách Hưng Vương cũng đã huy động 2.980 tỷ đồng qua phát hành trái phiếu vào tháng 12/2021. Đây là doanh nghiệp do bà Đinh Thị Ngọc Thanh (Chủ tịch Bông Sen) làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật và sở hữu 75% vốn tại thời điểm thành lập. Khác với các đợt phát hành trước đây của nhóm doanh nghiệp có liên quan Bông Sen, các thông tin về lãi suất, mục đích phát hành, tài sản bảo đảm, trái chủ, đơn vị thu xếp,... không được công bố. Các đợt phát hành trái phiếu của Bông Sen đều có ít nhiều liên quan đến các doanh nghiệp thuộc nhóm Vạn Thịnh Phát. Việc phát hành trái phiếu ồ ạt của các doanh nghiệp vô danh nhưng rất mập mờ về thông tin trong thời gian gần đây làm dấy lên những lo ngại về sự bất ổn của thị trường tài chính. Quy mô trái phiếu doanh nghiệp ngày càng lớn nhưng những thông tin cần công khai, minh bạch liên quan đến đối tượng phát hành, đối tượng sở hữu, cách thức, hiệu quả sử dụng vốn ngày càng mập mờ và dường như bị che giấu. Điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro trong việc lợi dụng phát hành trái phiếu doanh nghiệp để rửa tiền; lũng đoạn thị trường tài chính, bất động sản thông qua thâu tóm doanh nghiệp, đất đai; đảo nợ; hợp thức hóa dòng tiền; trốn thuế... và các hành vi vi phạm pháp luật khác.