ÔNG TRẦN HOÀNG, CỤC TRƯỞNG CỤC BẢN QUYỀN TÁC GIẢ

BẢO VỆ BẢN QUYỀN ĐỂ THÚC ĐẨY KINH TẾ TRI THỨC

Những năm gần đây, vấn đề bảo vệ bản quyền ở mọi lĩnh vực đã trở nên nóng hổi, đặc biệt khi các vụ việc xâm phạm, tranh chấp liên tục xảy ra. Làm cách nào để “gỡ khó”, tối ưu hóa thủ tục, tạo thuận lợi tối đa cho người làm nghề là câu chuyện đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Nhân Dân hằng tháng đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hoàng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả về vấn đề này.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Trần Hoàng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - Ảnh NVCC
Ông Trần Hoàng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - Ảnh NVCC

Vi phạm ngày càng phổ biến

Ông nhận định thế nào về vai trò của việc bảo vệ bản quyền trong đời sống hiện nay?

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả và quyền liên quan nói riêng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hội nhập kinh tế quốc tế. Càng ở những quốc gia phát triển, vấn đề bản quyền càng được coi trọng, được coi như động lực phát triển kinh tế tri thức.

Hiện nay, đối mặt với tình trạng ngày càng nhiều tác phẩm bị sao chép, cắt xén, sử dụng mà không xin phép tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả... pháp luật đã có những cơ chế bảo hộ quyền và lợi ích trước hết cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan; đồng thời bảo đảm sự cân bằng lợi ích giữa tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, các cá nhân, tổ chức khi sử dụng và công chúng hưởng thụ. Việc bảo hộ tốt, hiệu quả sẽ tạo động lực, khuyến khích sự tìm tòi, sáng tạo để cho ra đời tác phẩm mới, chất lượng, thúc đẩy phát triển các sản phẩm văn hóa một cách bền vững và hỗ trợ thị trường.

Sau thời kỳ suy thoái công nghiệp là sự lên ngôi của nền kinh tế dựa trên tri thức, nơi các sáng tạo đóng vai trò của một tính năng thiết yếu và thúc đẩy khả năng cạnh tranh, tăng trưởng kinh tế. Trong đó, tâm điểm là công nghiệp sáng tạo mà vấn đề bản quyền luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng, gắn kết khăng khít.

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 8/9/2016 đã khẳng định: Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ.

Chiến lược xác định các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam bao gồm 12 lĩnh vực: quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật - nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa. Các loại hình tác phẩm thuộc 12 lĩnh vực này nếu thực hiện hiệu quả những quy định pháp luật về bảo hộ bản quyền sẽ góp phần xây dựng nền công nghiệp văn hóa phát triển, đủ sức cạnh tranh, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của đất nước.

Song song với đó, trong công nghiệp văn hóa, thực thi tốt bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan sẽ góp phần gia tăng động lực sáng tạo, đem lại sự công bằng trong đãi ngộ các thành quả sáng tạo.

Thực thi nghiêm túc bản quyền tác giả là một trong những điều kiện quan trọng để có thể hội nhập sâu rộng hơn. Trong bối cảnh Việt Nam gia nhập, ký kết các hiệp định thương mại tự do cần phải nghiên cứu kỹ và thực thi một cách nghiêm túc quy định về bảo hộ bản quyền.

Công nghệ phát triển mang lại những thuận lợi và khó khăn gì trong lĩnh vực này, thưa ông?

Sự phát triển như vũ bão của internet và sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ, đặc biệt là trên các nền tảng số đã tạo điều kiện cho các tác giả, chủ sở hữu quyền có thể truyền bá, lưu trữ tác phẩm nhanh chóng và rộng rãi hơn. Nhưng chính sự “tiếp tay” của công nghệ cũng khiến tình trạng sao chép tác phẩm, cắt, ghép tác phẩm trái phép, tạo ra nhiều bản sao trái phép ngày càng đơn giản. Các vi phạm ngày càng trở nên phổ biến, tinh vi, phức tạp ở nhiều loại hình ấn bản, trong nhiều lĩnh vực.

Dù vậy, cũng chính nhờ phát triển vượt bậc của công nghệ, chúng ta đã nhanh chóng ứng dụng trong công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan để đáp ứng với tình hình thực tiễn. Cùng với kiểm soát quyền truy cập, các giải pháp công nghệ cũng hướng đến kiểm soát hiệu quả quyền sử dụng bằng cách cho phép tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả giới hạn hành vi của người dùng internet ngay cả khi họ đã truy cập vào tác phẩm.

Một số công nghệ tìm kiếm mới hiện nay còn có thể giúp phát hiện và thực hiện các biện pháp để xóa bỏ video, bản ghi âm thanh vi phạm quyền tác giả. Công nghệ cũng được sử dụng để truy quét nội dung trên môi trường số. Ngoài ra, một hướng đi mới là ứng dụng công nghệ blockchain để ngăn chặn ngay từ đầu các vi phạm về bản quyền...

Sử dụng các giải pháp công nghệ là phù hợp thực tế khách quan khi các giải pháp khác không mang lại nhiều hiệu quả. Các thay đổi về công nghệ trong lĩnh vực bản quyền cũng đòi hỏi những sai phạm cần được ngăn chặn bằng chính các giải pháp công nghệ. Điều này vừa mang lại hiệu quả đồng thời cũng là hướng đi phù hợp với xu thế quốc tế.

Vậy thủ tục đăng ký quyền tác giả đã đổi mới ra sao để tạo ra sự thuận lợi cho các chủ thể sáng tạo?

Đăng ký quyền tác giả không phải là thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền tác giả. Việc đăng ký bảo hộ không phải là cơ sở xác lập quyền tác giả. Tuy nhiên, điều đó lại cần thiết, rất có ý nghĩa trong việc bảo vệ quyền tác giả, đặc biệt trong việc chứng minh quyền tác giả khi có tranh chấp xảy ra.

Nếu không đăng ký quyền tác giả thì khi có tranh chấp xảy ra, các chủ thể phải có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả của mình đối với tác phẩm đó, tức là phải tự mình cung cấp các tài liệu, chứng cứ để chứng minh quyền tác giả của mình đối với tác phẩm. Trong nhiều trường hợp, việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả chứng minh quyền của mình là rất khó, thậm chí là không thể.

Hiện nay, theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 thì: “Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan theo cách thức trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính hoặc qua Cổng dịch vụ công trực tuyến cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan”.

Từ năm 2018 - 2022, Cục Bản quyền tác giả đã cấp gần 45.000 giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.

Hướng tới hội nhập quốc tế

Trước thực trạng nhiều vụ xâm phạm, tranh chấp quyền tác giả diễn ra gần đây, Cục đã đưa ra giải pháp gì nhằm tăng cường nhận thức và hành động vì bản quyền?

Thứ nhất, về hoàn thiện hành lang pháp lý, các nền tảng pháp lý, chính sách pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan đã được xây dựng và ngày càng hoàn thiện. Về lâu dài, cần nghiên cứu xây dựng Luật Bản quyền tác giả độc lập, đây là hướng mà nhiều quốc gia đã thực hiện.

Vì vậy, Việt Nam cần nghiên cứu và có sự chuẩn bị, đến thời điểm phù hợp và sớm nhất có thể thì tiến hành tách Luật Bản quyền tác giả để ban hành riêng, trở thành luật chuyên ngành độc lập theo thông lệ quốc tế, giúp cho việc triển khai, áp dụng luật được hiệu quả trên thực tế.

Thứ hai, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan để vào sâu trong đời sống, nhằm thúc đẩy nhận thức tuân thủ pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan của người dân được nâng cao.

Thứ ba, cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý và thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan hơn nữa trong hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đặc biệt là trên môi trường mạng. Cần nghiên cứu mô hình thanh tra chuyên ngành về bản quyền tác giả.

Thứ tư, các chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan cần có sự chủ động, phải bảo vệ được “đứa con tinh thần” của mình, phải lên tiếng trước những hành vi xâm phạm bản quyền, có thể khiếu nại hoặc khởi kiện tại Tòa án... Một điều cần lưu ý là các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả cần phải biết mình có quyền gì và những quyền ấy được bảo hộ như thế nào. Khi cho ra đời tác phẩm, đặc biệt các tác phẩm sáng tạo, có giá trị thương mại thì tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả nên đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.

Thứ năm là đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là trong môi trường kỹ thuật số và tăng cường tham gia, bảo đảm thực thi các điều ước quốc tế trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, tăng cường năng lực quản lý nhà nước về thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan; đào tạo nhân sự và đầu tư cơ sở vật chất để có đủ năng lực quản lý và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt trên môi trường mạng.

Theo ông, cho tới thời điểm hiện nay, những vấn đề nan giải nhất và khó tháo gỡ nhất là gì?

Thách thức lớn nhất trong việc xử lý, bảo vệ quyền là tìm ra nguồn gốc của hành vi xâm phạm bản quyền là gì, liên hệ để giải quyết như thế nào.

Các vướng mắc trong xử lý vi phạm thường xảy ra trên môi trường số, các website và sàn thương mại điện tử. Các đối tượng lập nhiều website để thực hiện các hành vi vi phạm. Với các trang web độc lập, các đối tượng che giấu thông tin cá nhân, địa chỉ liên lạc, mua bán, thanh toán, vận chuyển online nên việc điều tra rất khó khăn. Trong khi đó, các website lại không tiết lộ thông tin đối tượng vi phạm cho chủ thể quyền. Do đó mà không tìm ra được các bằng chứng về hành vi xâm phạm để chứng minh đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Điều này cũng gây khó khăn, cản trở cho cơ quan thực thi quyền tác giả, quyền liên quan.

Trân trọng cảm ơn ông!