Trước những mối nguy hại tiềm ẩn, Tổng công ty Đường sắt và Cục Đường sắt Việt Nam đều đã có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội đề nghị chỉ đạo, xử lý dứt điểm tình trạng buôn bán, chụp ảnh tại các quán cà-phê khu vực đường tàu chạy qua. Vào ngày 15/9 vừa qua, UBND quận Hoàn Kiếm đã cho đặt rào chắn, phong tỏa, đóng cửa các hàng quán nằm ở khu vực đường tàu.
Dư luận rộng rãi đều cho rằng, đây là quyết định đúng đắn.
Sau khi “phố cà-phê đường tàu” được cơ quan chức năng rào chắn yêu cầu đóng cửa ngừng hoạt động, ngày 18/9, một du khách đã lách qua rào chắn tàu vào khu vực này chụp ảnh. Đúng lúc đoàn tàu Lào Cai - Hà Nội chạy qua, nên đã xảy ra va chạm khiến du khách này bị thương. Vụ việc khiến đoàn tàu phải dừng lại giải quyết sự cố và khiến tuyến đường Điện Biên Phủ, Trần Phú ùn tắc.
Thực tế, đã từng xảy ra rất nhiều vụ tai nạn do người dân vượt đèn đỏ, chạy cố khi sắp có tàu chạy qua. Điều này cho thấy vấn đề an toàn đường sắt cần phải được thắt chặt, quan tâm hơn nữa.
Luật an toàn giao thông đường sắt đã quy định rõ phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt và hành lang an toàn giao thông đường sắt. Trong đó, chiều rộng hành lang an toàn giao thông đường sắt được tính từ mép ngoài phạm vi bảo vệ đường sắt trở ra mỗi bên và được xác định như sau: đối với đường sắt tốc độ cao, trong khu vực đô thị là 5m, ngoài khu vực đô thị là 15m; đối với đường sắt đô thị đi trên mặt đất, đường sắt còn lại là 3m. Với cách xác định chiều rộng hành lang an toàn giao thông như vậy thì 100% số hộ kinh doanh trong khu vực “phố cà-phê đường tàu” vi phạm an toàn giao thông đường sắt. Thậm chí, có những hàng quán tại đây phạm vi kinh doanh chỉ cách ray đường sắt 0,5m.
Có ý kiến cho rằng, hiện nay tàu hỏa chạy từ ga Hà Nội ra các ga phía bắc có tần suất thấp, có thể duy trì hoạt động kinh doanh ở đó theo các khung giờ cụ thể và buộc các hộ kinh doanh tuân thủ quy định về an toàn đường sắt. Làm được như vậy thì vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa thu hút được du khách. Nhưng với thực tế về ý thức tham gia giao thông hiện nay, rất khó để quản lý vấn đề này. Và không nên mạo hiểm đánh đổi sự an toàn của người dân vì mục tiêu kinh tế.
Cần biết, khu vực chợ Maeklong tại Thailand cũng được nhiều tạp chí du lịch gọi là “khu chợ nguy hiểm nhất thế giới”, dành cho những du khách ưa mạo hiểm với các sạp hàng chỉ dựng tạm bợ, sát với đường ray, thậm chí có những sạp rau củ bày bán ngay trên đường tàu. Dù nhiều người cho rằng, nó không nguy hiểm nhưng cũng đã có du khách tử vong tại chợ đường tàu, do mải mê chụp ảnh ở giữa đường ray khi đoàn tàu sắp tới nơi.