“Bảng tổng sắp” đặc biệt

Báo cáo của Công ty tư vấn Henley & Partners có trụ sở tại London (Anh) công bố gần đây cho thấy, hộ chiếu của ba nước châu Á đã đứng đầu bảng những “hộ chiếu quyền lực” nhất thế giới. Sức mạnh của hộ chiếu cũng có mối liên hệ trực tiếp với các cơ hội tìm kiếm hợp tác, đầu tư trong bối cảnh làn sóng du lịch toàn cầu đang phục hồi.
0:00 / 0:00
0:00
Hộ chiếu Nhật Bản được đánh giá cao trên thế giới. Ảnh: BLOOMBERG
Hộ chiếu Nhật Bản được đánh giá cao trên thế giới. Ảnh: BLOOMBERG

Theo CNN, bảng xếp hạng Chỉ số hộ chiếu Henley (HPI) của Henley & Partners (Anh) công bố hộ chiếu của Nhật Bản là hộ chiếu quyền lực nhất năm 2022. Đây là năm thứ năm liên tiếp “đất nước mặt trời mọc” đứng đầu bảng xếp hạng này. Công dân Nhật Bản hiện được miễn thị thực tới 193 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 85% lãnh thổ thế giới và 98% nền kinh tế toàn cầu. Tiếp đó là hộ chiếu của hai nước châu Á khác gồm Singapore và Hàn Quốc, có thể tới 192 địa điểm mà không cần thị thực.

Sau ba quốc gia châu Á đầu bảng là nhóm các nước châu Âu gồm Đức và Tây Ban Nha cùng có 190 điểm đến được miễn visa; tiếp theo là Phần Lan, Italy, Luxembourg với 189 điểm đến. Áo, Đan Mạch, Hà Lan và Thụy Điển đồng hạng ở vị trí thứ năm, trong khi Pháp, Ireland, Bồ Đào Nha và Anh đứng ở vị trí thứ sáu. New Zealand và Mỹ xuất hiện ở vị trí thứ bảy cùng Bỉ, Na Uy, Thụy Sĩ và CH Czech.

Dựa trên dữ liệu của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), du lịch toàn cầu hiện ở mức khoảng 75% so mức trước đại dịch. Trong bối cảnh khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang mở cửa trở lại, quyền đi lại tự do của công dân các nước sẽ được phát huy triệt để, không chỉ nhằm mục đích du lịch mà còn tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh, đầu tư ở các thị trường mới. Song, phân tích sâu hơn về chỉ số cho thấy mặt tối của bức tranh này. Chẳng hạn, hộ chiếu có “độ mở” thấp như Afghanistan, ở vị trí cuối bảng với chỉ 27 điểm đến miễn thị thực, sẽ hạn chế cơ hội kinh doanh của công dân quốc gia ở ngã tư Trung và Nam Á này.

Các nhà nghiên cứu của Henley & Partners chỉ ra rằng, sức mạnh hộ chiếu có mối liên hệ trực tiếp với khả năng tiếp cận nền kinh tế toàn cầu. Chẳng hạn, công dân của các quốc gia có chỉ số hộ chiếu ở cuối bảng như Afghanistan, Iraq, Syria bị hạn chế tiếp cận các cơ hội dịch chuyển và tăng trưởng kinh tế. Ngược lại, nhiều quốc gia đã tăng điểm đáng kể trong “bảng tổng sắp” đặc biệt này, cho thấy cơ hội tiếp cận kinh tế thế giới tăng lên. Một thí dụ điển hình cho điều này là Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã tăng lên 49 bậc trong 10 năm qua. Vào cuối năm 2012, UAE xếp thứ 64 với số điểm miễn thị thực chỉ là 72. Năm nay UAE đứng ở vị trí thứ 15 với 178 điểm và tiếp cận gần 70% GDP toàn cầu.

Bình luận trong Báo cáo dịch chuyển toàn cầu do Henley & Partners công bố ngày 10/1, thành viên của ban cố vấn Henley & Partners, TS Parag Khanna cho biết: “Du lịch quốc tế đang tăng nhanh kỷ lục. Hàng chục quốc gia đã triển khai các chương trình thị thực du lịch hoặc thị thực vàng, nhiều người cũng đang tìm kiếm các cơ hội làm việc từ xa ở các quốc gia có môi trường xã hội ổn định, thân thiện hoặc để thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu…”. Ông Khanna cho rằng, hộ chiếu còn là một trong những “cửa ngõ” dẫn đến cơ hội tài chính: “Hộ chiếu mạnh hơn không chỉ là tự do đi lại nhiều hơn mà còn là tự do tài chính và cơ hội đầu tư, kinh doanh rộng mở hơn”.

TS Areef Suleman, Giám đốc Nghiên cứu và Thống kê kinh tế tại Viện Ngân hàng Phát triển Hồi giáo (Anh) chỉ ra rằng, việc miễn thị thực xuyên quốc gia tới những nền kinh tế ổn định hơn giúp các nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro. Chỉ số hộ chiếu Henley đo lường khả năng miễn thị thực tới các điểm đến trên khắp thế giới bằng cách thu thập dữ liệu về thay đổi chính sách thị thực. Ngày nay, chính sách miễn thị thực không chỉ hữu ích cho khách du lịch mà còn có ý nghĩa đối với công dân và doanh nhân quốc tế có thể tìm cơ hội đầu tư, kinh doanh hay việc làm trên toàn cầu.