Ao ngày cũ

Ngày trước đất rộng nên ở làng tôi hầu như nhà nào cũng đào ao thả cá.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh: ANH QUÂN
Ảnh: ANH QUÂN

Với những đứa trẻ con như tôi, ao cá là người bạn tuổi thơ. Làng không có sông nên lũ trẻ con những buổi trưa nắng mùa hè thường trốn bố mẹ ra ao hợp tác xã cuối làng tập bơi. Ao rộng cả mẫu, mênh mông nước chẳng khác gì một cái hồ. Cả đám cởi truồng nhảy ùm vào lòng ao mát lạnh rồi té nước, cười đùa vẩn đục cả một góc ao. Nhờ những buổi trưa trốn ngủ chặt chuối tập bơi ấy mà trong làng tôi hồi ấy hầu như đứa trẻ nào cũng biết bơi dù chẳng sinh ra ở vùng sông nước. Đi tắm ao, lũ chúng tôi còn mang theo cả xô, chậu để mò mẫm bắt ốc, ao hợp tác xã ốc nhiều vô kể. Ốc bám vào rễ cây, vào hốc đất thành tổ, chỉ cần thò tay là bắt cả vốc.

Dù bắt được nhiều nhưng chẳng đứa nào dại mà mang về nhà, bố mẹ mà biết là ăn no đòn. Cả lũ mang số ốc đó đến cồn đất giữa đồng, rồi gom cành củi, lá khô để luộc. Đứa nào đứa nấy lăm lăm một cái gai được vặt từ cây bưởi dại quả vừa chua, vừa đắng ở góc cồn, chờ nước sôi lên là lao vào. Chẳng biết ốc đã chín chưa nhưng đứa nào cũng nhồm nhoàm vừa nhai, vừa khen ngon.

Nhà tôi cũng có một ao cá nhỏ, đầu năm bố sẽ mua một ít cá giống, chủ yếu là cá trắm, cá trôi hay cá mè để nuôi đến tháng Chạp thì bắt cá bán lấy tiền sắm sách vở cho anh em tôi. Ngày bơm ao, nhà tôi nhộn nhịp. Không riêng ao cá nhà tôi mà bất cứ nhà nào bơm ao trong làng, mọi người cũng cùng kéo đến chờ khi nước cạn. Khi gia chủ đã bắt hết những con cá to thì tất cả cùng nhau ùa xuống để bắt những con cá nhỏ, cua, ốc. Vừa bắt, vừa nói cười rộn ràng, từ người bắt đến chủ nhà ai cũng hân hoan. Đó là cách người làng tôi sẻ chia những điều nhỏ nhặt trong những năm tháng đói kém. Thế nhưng cũng có năm bão lũ hay rét đậm, rét hại thì công sức cả năm của bố mẹ tôi gần như mất trắng, cá chẳng còn để mà bơm ao.

Sau gần hai chục năm tôi vẫn không thể quên ánh mắt buồn rười rượi của bố mẹ tôi, khi năm ấy cơn bão quét qua làng, nước ao dâng lên ngày một nhanh. Chốc chốc bố tôi lại mặc áo mưa cầm đèn pin ra soi ao cá. Một lúc lâu sau bố vào nhà, cả người ướt sũng bố nói, mất trắng, cá ra ruộng cả rồi. Nghe câu đó mẹ tôi như chết lặng, hai anh em tôi ngồi co ro trong góc nhà tránh những chỗ dột thấy bố mẹ vậy mà cả người run lên một nỗi buồn khôn tả. Lại có năm bỗng một buổi sáng thức dậy cá lờ đờ, ngửa bụng, năm đó bố tôi phải gọi người đến bán lỗ vốn để vớt vát lại đồng nào hay đồng ấy. Đến lúc bơm ao mới biết do những cọng cỏ đọng ở đáy lâu ngày thối rữa làm cá bị ngạt.

Sau này đường quốc lộ làm qua làng, nhà tôi cũng như bao nhà khác trong làng, không còn giữ được những ao cá nữa. Lũ trẻ con trong làng lớn lên mà chẳng biết thế nào là tắm ao, là ngụp lặn bắt ốc. Thoảng khi có dịp về làng, đi trên con đường trải nhựa bóng láng giữa làng mà bỗng nhớ làng, nhớ những người bạn những buổi ban trưa năm ấy và nhớ những ao cá một thời vui chơi.