1 Hồi ở Hà Nội, những năm từ 1960 đến trước 1964, nhà tôi từng có lúc ở 18 bis Nguyễn Biểu. Nhà bà Ngô Thị Huệ, thường gọi là Bảy Huệ ở cùng phố, số 16. Đó là hai căn nhà tập thể của Ban Thống Nhất Trung ương và Ban Tổ chức Trung ương. Hai căn villa, mỗi hộ được phân một phòng, rộng hẹp tùy theo chức vụ và số nhân khẩu. Trẻ con của hai nhà 16 và 18 vẫn thường qua lại chơi với nhau. Chẳng bao giờ bọn trẻ trong khu tập thể nhìn thấy cha của Hòa, Bình, Linh (là các con của bà Bảy Huệ). Chồng bà Bảy Huệ công tác bí mật ở miền nam ác liệt suốt những năm miền bắc sống trong hòa bình.
2 Tháng 8 năm 1975, tốt nghiệp đại học là tôi “bay” về Sài Gòn ngay để gặp lại mẹ tôi và hai em đã vào nam từ trước đó vài tháng. Rồi tôi được phân công về làm việc ở báo Phụ nữ Sài Gònthuộc Hội Phụ nữ thành phố (sau đổi tên là báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh). Chính thời gian này, trong một cuộc gặp gỡ thân mật giữa những đứa con cán bộ có cùng hoàn cảnh xa cha mẹ vì chiến tranh, tôi mới lần đầu tiên gặp mặt ông Nguyễn Văn Linh, chồng của dì Bảy Huệ. Cảm nhận đầu tiên của tôi là ông có vẻ vừa nghiêm khắc, vừa hiền từ, giọng nói nhỏ nhẹ. Và, ngay buổi đầu gặp gỡ ấy, tôi đã nhận thấy ông là người rất tỉ mỉ, cụ thể. Ông bảo, ông có biết ba của tôi trong chiến tranh, ba tôi nói giọng bắc giống ông, đeo mắt kiếng mà vẫn chỉ huy chiến đấu tốt. Ba tôi hy sinh như thế nào trong đợt Mậu Thân 1968 ông cũng biết. Ông xưng với tôi là dượng Bảy, như xưng với Hiếu Dân (con gái ông Sáu Dân), Hồng Yến, Hồng Vân (con ông Năm Hộ). Riêng Liên Hoan và Thái Hỉ (con dì Tư Duy Liên) thì kêu ông là bác Mười.
3 Khi TP Hồ Chí Minh tiến hành các đợt cải tạo công thương nghiệp, năm 1976-1977, cánh phóng viên các báo được phân công tham gia các đoàn công tác để viết bài phản ánh. Tôi theo một đoàn đi kiểm kê, kiểm soát các hộ kinh doanh là đối tượng của đợt cải tạo. Ở chợ Bến Thành, đoàn kiểm tra phát hiện một tiểu thương bán trứng vịt giấu bớt so với tờ khai hai cần xé trứng. Đoàn đã cự nự và lập biên bản việc làm vi phạm chính sách của hộ tiểu thương nọ. Tôi đã hăng hái về tòa soạn viết ngay một bài gửi cho anh Ba Giám ở báo Sài Gòn Giải phóng (vì báoPhụ nữ Sài Gòn không phải là nhật báo). Bài viết ngắn có tựa đề “Trứng vịt biết nói...”,hàm ý chế giễu sự không trung thực của hộ tiểu thương bán trứng vịt, đã được báo Sài Gòn Giải phóngđăng trang nhất ngay hôm sau. Tôi được chú Võ Nhơn Lý (Tổng Biên tập đầu tiên của báo Sài Gòn Giải phóng), anh Ba Giám và những người khác nữa khen là viết nhanh, viết tốt nên thích lắm. Hai ngày sau, gặp tôi trong một cuộc họp giao ban với báo chí về công tác cải tạo tư sản, ông Linh nói rất nhẹ nhàng: “Cháu là nhà báo, nhiệm vụ của cháu là đưa tin, viết bài nhanh về các sự việc đang diễn ra. Nhưng cháu cũng nên biết thêm điều này, người ta đi bán hột vịt, cho dù là tiểu thương bán sỉ đi nữa thì lời lãi chẳng được bao nhiêu đâu. Bà tiểu thương ấy giấu đi hai cần xé trứng vịt đúng là không trung thực nên đã bị đoàn kiểm tra lập biên bản vì vi phạm chủ trương cải tạo mà Nhà nước đang triển khai thực hiện. Nhưng cháu có nghĩ rằng, người ta phải làm vậy là để có cái mà nuôi mấy đứa con ở nhà không. Cháu viết như vậy không sai với thực tế nhưng người tiểu thương bị chế giễu là không trung thực đau lắm đấy! Cầm bút viết về một cái gì đó phải luôn cân nhắc, viết thế nào cho đúng cả mặt phải và mặt trái của vấn đề, thể hiện cho được cái tâm của mình với cuộc sống của người dân, bởi vì không phải chính sách nào do Nhà nước ban hành người dân cũng tìm thấy lợi ích của họ trong đó”. Tôi -một phóng viên trẻ lúc ấy mới vừa 23 tuổi đã nhận được bài học đầu tiên vô cùng sâu sắc như vậy về nghề báo, nhà báo. Bài học ấy tôi không thể nào quên, đã đi theo tôi từ cương vị phóng viên đến khi trở thành tổng biên tập và mãi sau này khi tôi chuyển sang công việc khác.
4 Ông Linh cũng là một lãnh đạo hiếm hoi có thói quen kiểm chứng các thông tin “ngoài luồng” với các thông tin chính thống. Ông bảo, không phải ông không tin các báo cáo chính thức, nhưng ông cần có thêm cơ sở để bảo đảm các báo cáo là sát thực với những gì đang diễn ra trong đời sống. Họp với các tổng biên tập chưa đủ, thỉnh thoảng ông lại gặp các nhà báo và những người bình thường khác. Khi thì một buổi cà-phê sáng, khi thì một bữa cơm trưa, cơm chiều. Tôi là một trong những người thuộc “kênh kiểm chứng” đó của ông. Ông hỏi han những người ông gặp xem chủ trương đó, sự việc đó, vấn đề đó dân đang nghĩ gì, và tụi bay (những người ông gặp thường tuổi đều đáng hàng con cháu ông) đang nghĩ gì. Nếu dân nghĩ không giống với điều chúng ta đang nghĩ thì chúng ta phải làm gì? Đó là câu hỏi thường trực mà ông Nguyễn Văn Linh, theo quan sát của chúng tôi, dù đang ở cương vị nào cũng luôn đau đáu tự đặt ra và ráo riết đi tìm câu trả lời. Khi đất nước còn quá nhiều bộn bề, khó khăn của giai đoạn trước Đổi Mới, chúng tôi nhận thấy sự trăn trở của ông Linh thường xuyên lộ rõ hơn. Làm thế nào để thực hiện được chủ trương mà Trung ương đang chỉ đạo nhưng lại không được để cho đời sống nhân dân cứ khổ mãi, sản xuất và lưu thông cứ đình trệ mãi. Ông đã dám nhiều lần nêu chính kiến của mình về một số việc (trong đó có chủ trương cải tạo công thương nghiệp) cho dù chính kiến ấy là thiểu số và đem đến cho ông những gay go, trắc trở. Đang ở trong Bộ Chính trị, công tác ở Trung ương, ông ra khỏi Bộ Chính trị, về lại TP Hồ Chí Minh làm Bí thư Thành ủy. Ông tiếp nhận những thay đổi thăng trầm ấy với một thái độ bình thản. Và khi ông trở lại cương vị Thường trực Ban Bí thư rồi Tổng Bí thư, chúng tôi nhận thấy ở ông vẫn một thái độ bình thản ấy. Đám nhà báo chúng tôi ỉ vào chỗ gần gũi với ông cũng đã bao lần cố gắng “tác nghiệp, điều tra” về các thăng trầm chính trị của ông, nhưng tuyệt nhiên chỉ có những tâm sự, những bài học đầy khôn ngoan chính trị trong ứng xử chứ không có bất cứ sự cay cú nào.
Ngày 13-11-1988, tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gặp mặt thân mật các đại biểu tham dự Hội nghị cán bộ phụ tráchĐội thiếu niên giỏi toàn quốc. ẢNH | XUÂN LÂM