Ấm ức cái nỗi gì?

Đưa tin sai, cơ quan báo chí bị phạt và anh ta bị kiểm điểm. Anh mới là nhà báo thực tập cho nên chưa có thể để cãi thậm chí khiếu nại, nhưng anh ta vẫn ấm ức. Có bậc đàn anh trong cơ quan thương tình, tới tâm sự với anh bạn trẻ:

- Tin cậu nộp để tòa soạn đăng là sai chứ gì?

- Đúng là một tin sai, một kỷ niệm đau đớn nhớ đời.

- Thế thì còn ấm ức nỗi gì?

- Nhưng em có bịa ra tin đó đâu.

- Thế thì cậu lấy tin theo nguồn nào?

- Em dựa vào tin của một bạn đồng nghiệp, mà cũng cẩn thận.

- Cẩn thận thế nào?

- Em phải chờ cho tin của cậu ta đăng hai ngày không thấy ai nói gì mới biên tập lại. Sau đó em ngã ngửa ra vì biết tin của cậu ta là sai, có nhiều chi tiết bịa đặt. Em chỉ sai là biên tập lại tin sai chứ có bịa ra tin đó đâu!

- Thế thì cậu sai tới hai lần. Thứ nhất là xào xáo lại tin của người ta coi như tin của mình là sai thứ nhất thuộc về đạo đức người thông tin. Việc tham khảo nguồn tin của nhau cũng là việc thường làm trong hoạt động nghề nghiệp, nhưng khi sử dụng phải nói rõ nguồn và đặc biệt là phải kiểm tra nhưng cậu không làm, đó là cái sai thứ hai, cũng thuộc phạm vi đạo đức người thông tin.

- Nhưng thiếu tin về những sự kiện "nóng" thì lại bị kiểm điểm có khi không được ký tiếp hợp đồng lao động.

- Nhưng muốn được ký hợp đồng để trở thành phóng viên thực thụ thì phải làm việc thật sự, phải trung thực trong thông tin chứ! Sai thì nhận lỗi mà sửa chữa, đời còn dài. Ấm ức cái nỗi gì!