Vị thế nào cho du lịch mạo hiểm?

Tuần rồi, những hình ảnh của “Làng du lịch tốt nhất thế giới” Tân Hóa (xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) ngập sâu, bị cô lập bởi bão số 4, nhưng đi kèm với thông tin thú vị, đó là: Người dân đã tìm ra được giải pháp nhà phao để có thể sống chung với lũ dữ và thậm chí còn phát triển loại hình du lịch mạo hiểm, đưa du khách đến trải nghiệm chân thực cuộc sống mùa lũ.

Có thể nói, du lịch mạo hiểm là một thị trường ngách, nhưng cũng rất quan trọng trong hệ thống các sản phẩm du lịch và cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Trong một chừng mực nào đó, cũng có thể xem các giải chạy địa hình (chạy trail), vận động viên thi đấu ở các vùng rừng núi, địa hình hiểm trở, là một hình thái du lịch mạo hiểm. Và cứ nhìn số lượng các giải chạy trail vẫn đang phát triển trong những năm gần đây sẽ thấy cơ hội khai thác vẫn đang rộng mở trước mắt.

Trước đây, thị trường du lịch mạo hiểm thường được cho là phù hợp với du khách nước ngoài, nhưng trong thực tế hiện giờ nhu cầu trong nước cũng rất lớn. Có một điểm thú vị ở đây là tệp khách hàng hay thị phần của du lịch mạo hiểm sẽ không thể phủ rộng như các sản phẩm phổ thông. Chính vì vậy, chỉ cần có những sản phẩm thú vị, chất lượng thì ngay lập tức, tình trạng “cháy vé” hay “cháy tour” có thể diễn ra vì đông đảo du khách sẵn sàng đăng ký trải nghiệm, có khi hàng “xếp hàng” chờ càng lâu lại càng thú vị.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng phân tích: An toàn và sáng tạo là hai tiêu chí cốt lõi để tìm ra những sản phẩm du lịch mạo hiểm độc đáo. Có một thực tế là để bám sát và thực thi hai tiêu chí này trong thời gian dài là không hề đơn giản. Là người làm công tác quản lý, tôi vẫn thường đón nhận hoặc thẩm định nhiều ý tưởng, đề án về các sản phẩm du lịch mạo hiểm. Trong trường hợp khả thi, thì việc kết nối, thậm chí thuyết phục để địa phương, cùng các đơn vị cùng triển khai cũng rất thách thức. Nói đơn giản thì mạo hiểm sẽ đi kèm với rủi ro, nhưng phương án hạn chế rủi ro, thậm chí nếu có rủi ro xảy đến thì xử lý như thế nào… Và đây cũng chỉ là một phần trong rất nhiều hạng mục của du lịch mạo hiểm.

Rất khó để bàn về hiệu quả kinh tế của du lịch mạo hiểm vì tính an toàn luôn phải đặt lên hàng đầu và độ tỉ mỉ của sản phẩm cũng cần thay đổi liên tục, nhưng nếu ví làm du lịch mạo hiểm cũng như làm startup hay đầu tư mạo hiểm thì kết quả thu về nếu thành công là rất lớn. Những hình ảnh, cảm xúc mà du lịch mạo hiểm tạo ra thường có tính lan tỏa rất cao để tạo ra sức hút cho một địa phương. Thực tế, có thể du khách chưa có dịp những tour du lịch mạo hiểm như tại Quảng Bình nhưng chắc chắn cũng sẽ “đặt chỗ” trong suy nghĩ và nếu có dịp sẽ sẵn sàng tham gia, đó là một thành công. “Du lịch mạo hiểm góp phần làm đa dạng và hoàn thiện hệ sinh thái các sản phẩm du lịch của địa phương, qua đó củng cố thương hiệu du lịch của địa phương. Mặt khác, nếu biết cách làm thương hiệu, du lịch mạo hiểm vẫn luôn là điều gì đó thật sự cuốn hút du khách và đây cũng chính là sản phẩm có sức hút bền bỉ, không phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố mùa vụ”, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.