Chị Hứa Thùy Liên, người sáng lập và điều hành thương hiệu cà-phê hữu cơ cao cấp Hapii, mới xuất hiện khoảng hai năm qua cho biết, đã dành gần 500 triệu đồng mỗi năm để mời các chuyên gia, cũng như thực hiện các thủ tục đánh giá, chứng nhận chất lượng của cà-phê hữu cơ đủ để xuất khẩu sang những thị trường khó tính nhất như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu…
Số tiền 500 triệu đồng có thể trang trải được rất nhiều hạng mục, thậm chí tương đương số vốn khởi nghiệp ban đầu, nhưng hiện chỉ là một loại chi phí, cho một dự án hai năm tuổi, cho thấy tiêu chuẩn về startup đã được nâng lên như thế nào. Nếu truy cập website của Hapii, có thể sẽ bất ngờ khi thấy các thông tin, nhận diện thương hiệu, mẫu mã, bao bì sản phẩm gần như ở trạng thái hoàn thiện, không có sự chênh lệch với các nhãn hàng cà-phê lâu đời. Nghĩa là sản phẩm của startup hiện giờ muốn tồn tại cũng phải tương đương với các ông lớn, không có chuyện “cần thời gian thích nghi”.
Để làm rõ về yếu tố thời gian, ông Nguyễn Kinh Quốc, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty QAS, một trong số những công ty hiếm hoi làm startup trong lĩnh vực giải pháp y tế trong một thập kỷ qua kể lại câu chuyện: “Năm 2013, tôi thành lập công ty thì phải đến 2015 mới cho ra mắt sản phẩm đầu tiên là phần mềm quản lý các phòng khám, cơ sở y tế. Tiêu chí để startup tồn tại và phát triển hiện nay là sản phẩm khi xuất hiện trên thị trường phải lập tức thích nghi và có khách hàng, tức là phải nhanh, nhưng muốn nhanh lại phải… từ từ, mà từ từ ở đây nghĩa là phải nghiên cứu rất lâu, rất sâu. Nhưng việc chưa dừng lại ở đó, khi sản phẩm đã có mặt trên thị trường rồi, những người làm startup cũng phải sẵn sàng nâng cấp, chỉnh sửa một cách nhanh nhất để đáp ứng những nhu cầu cao hơn, sâu hơn từ khách hàng”.
Đầu tư lớn, mức độ hoàn thiện sản phẩm cao, là những yêu cầu gần như bắt buộc khi làm startup hiện nay. Nói đến đây, câu hỏi đặt ra là liệu có cơ hội cho những startup có ý tưởng mới lạ, nhưng gặp hạn chế về vốn hay không? Thực tế cho thấy, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp từ phía chính quyền, các hội, đoàn hiện ở mức dồi dào và đặc biệt là từ những startup đã có những thành công nhất định. Những dự án khởi nghiệp với quy mô nhỏ, có thể được “hà hơi, tiếp sức” để dần hoàn thiện, có lợi nhuận để tái đầu tư, phát triển và lại phát triển ở các mức cao hơn.
TS Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc (Đắk Lắk), nơi được mệnh danh là “thủ phủ sầu riêng” phân tích: Startup đang trở thành một triết lý kinh doanh và hành động cho tất cả mọi người. Chúng ta thấy nhiều doanh nhân lớn tuổi, thành đạt ở lĩnh vực này, nhưng vẫn làm startup ở lĩnh vực khác để làm mới bản thân, để tạo động lực tăng trưởng hay để đóng góp cho cộng đồng và đây là điều vô cùng tích cực. Bởi lẽ, nếu một người nông dân có tinh thần startup đồng nghĩa với việc sẽ tìm tòi, sáng tạo để cung cấp cho thị trường những loại nông sản chất lượng cao. Điều này vừa giúp cải thiện đời sống người nông dân, nhưng đồng thời cũng có thể gợi mở cho nhiều dự án startup khác có liên quan cùng phát triển.