Thông thường, chỉ cần tinh ý một chút, khách có thể phát hiện những hàng quán “du lịch” kiểu này, như xập xệ, tổ chức thiếu bài bản, vệ sinh kém… Nhưng đặt trong bối cảnh du khách sau một buổi đi chơi mệt nhoài, hoặc đi du lịch tự túc, mới đến địa phương, thiếu tìm hiểu… sẽ rất dễ rơi vào tình cảnh bị chặt chém, hoặc “nhẹ nhàng” hơn thì phải trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng, qua đó có những suy nghĩ thiếu tích cực. Nhiều người đi du lịch vẫn hay mách nhau “mẹo” là cứ tìm hàng quán nào có đông khách địa phương thì chắc chắn sẽ chất lượng, nhưng trong thực tế không phải ai cũng đủ thời gian, điều kiện để “nhận diện”.
Báo cáo thị trường nửa đầu năm của iPOS, nền tảng cung cấp giải pháp quản lý cho các đơn vị kinh doanh ăn uống (F&B), chỉ ra ít nhất 30.000 cửa hàng F&B trên toàn quốc đã đóng cửa, trong khi lượng mở mới hạn chế. Có một điều chắc chắn là trong số 30.000 cửa hàng phải rời khỏi cuộc chơi này, có không ít những hàng quán “du lịch”. Trên con đường Nhà Chung, thuộc khu vực trung tâm ở phường 3, TP Đà Lạt, dù ở quãng thời gian giữa tuần (giai đoạn thấp điểm du lịch), vẫn tấp nập khách đến các cửa hàng ăn uống, trong đó có rất nhiều khách địa phương vì tại đây có những món ăn chất lượng. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng phân tích: “Các hàng quán du lịch bát nháo theo thời gian sẽ khó tồn tại. Trường hợp sản phẩm kém chất lượng, không hợp vệ sinh thì những phản ánh trên mạng sẽ là bộ lọc đầu tiên. Còn nghiêm trọng hơn nữa là chèo kéo, chặt chém thì các "đường dây nóng" của chính quyền tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp nhận và xử lý chóng vánh. Mặt khác, chi phí mặt bằng, đầu vào tăng cao cũng sẽ trở thành áp lực khiến các hàng quán bát nháo chỉ chăm chăm đến du khách khó mà tồn tại nổi”.
Tuy nhiên, để tiến đến việc hạn chế thấp nhất những hàng quán kém chất lượng cho du khách, cần có thêm nhiều giải pháp hơn nữa. TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế là người thường xuyên sưu tầm những địa chỉ ẩm thực tại địa phương để chia sẻ với người thân, bạn bè và cả du khách. Ca sĩ Hoàng Phúc vốn được nhiều khán giả tại Lâm Đồng yêu mến, đồng thời cũng là một “từ điển” về ẩm thực khi thường xuyên chia sẻ những hàng quán lâu đời, qua đó kể về sự phát triển của địa phương mình. “Theo suy nghĩ của tôi, một món ăn ngon cũng như một bản nhạc hay sẽ làm cho thực khách hay khán giả nhớ thật lâu và thường sẽ có xu hướng thưởng thức trở lại”, ca sĩ Hoàng Phúc nhấn mạnh.
“Cần xác định, không chỉ có thắng cảnh, di tích, lưu trú… mà ẩm thực cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng để tạo nên sức hút của ngành du lịch. Nếu mỗi người dân địa phương là một kênh để “review” về chất lượng của hàng quán, giới thiệu cho bạn bè, du khách thì đó cũng là một đại sứ du lịch rất hoàn hảo”, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.