Rủi ro phòng gym đóng cửa

Việc chuỗi phòng tập gym Fit24 thông báo đóng cửa tất cả các phòng tập tại TP Hồ Chí Minh mới đây cho thấy những rủi ro của hoạt động đầu tư kinh doanh liên quan đến tập luyện (ngành fitness) và cả rủi ro cho người sử dụng dịch vụ.

Không khó để chỉ ra nguyên nhân khiến ngành này gặp khó, đó là nhu cầu sụt giảm, áp lực chi phí vận hành, mặt bằng và một nguyên nhân cũng quan trọng không kém, đó chính là sự cạnh tranh từ các bộ môn thể thao "thời thượng" như chạy bộ, pickleball. Nhưng nhìn về mặt tổng thể, còn một nguyên nhân chủ quan nữa đó chính là sự chậm thay đổi và xoay chuyển trong công tác quản trị của nhiều hệ thống kinh doanh tập luyện.

Thoạt nhìn, có thể xem ngành kinh doanh phòng tập còn nhiều dư địa tăng trưởng do xu hướng tập luyện, bảo vệ sức khỏe tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Nhưng sau nhiều năm, các đơn vị kinh doanh của ngành này lại không cho thấy nhiều sự đặc sắc trong mô hình kinh doanh. Một người nếu có nhu cầu tập gym, tìm kiếm một địa điểm nào đó, chẳng hạn gần nhà để tập thì thủ tục đầu tiên là… đóng tiền và thương lượng số tiền là bao nhiêu, kéo dài trong bao lâu. Các yếu tố liên quan đến chuyên môn cũng có nhưng không quan trọng bằng việc “chốt đơn”.

Nhìn chung, dấu ấn của các phòng gym để lại bao năm qua vẫn nằm ở các tiêu chí như phòng tập “sang, xịn, mịn”, huấn luyện viên (PT) chuyên nghiệp, hay có gì đó nổi bật. Điều này cũng dễ dẫn tới suy nghĩ rằng, kinh doanh phòng tập đơn giản và mô hình này dễ sao chép dẫn đến lượng cung tăng ở nhiều phân khúc từ bình dân tới cao cấp. Việc đóng một lần cho số tiền tập trong nhiều tháng cũng dẫn tới trong ngắn hạn, có thể hệ thống phòng tập sở hữu một lượng tiền trả trước tương đối. Đây chính là cơ hội nhưng cũng là rủi ro. Nếu quản lý dòng tiền tốt, đơn vị kinh doanh sẽ có sức mạnh dòng tiền, có cơ hội kiểm soát các loại chi phí vận hành, qua đó tối ưu hoạt động, đem lại lợi ích cho người tập. Nhưng mặt khác, số tiền trả trước cũng dễ tạo ra tâm lý “có tiền dễ” có thể khiến hoạt động đầu tư quá tay, mở theo chuỗi nhưng thiếu tính toán, tiềm ẩn rủi ro về sau.

Và rủi ro đó chính là việc các môn “giá rẻ” và “cơ động” như chạy bộ, pickleball... xuất hiện. Chỉ cần đôi giày, trang phục đơn giản là có thể tập môn chạy bộ, trong khi chi phí dành cho pickleball như vợt cũng ở mức thấp. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, có nhiều hệ sinh thái, nguồn tài nguyên liên quan đến chạy bộ rất hữu ích nhưng lại được cung cấp hoàn toàn miễn phí. Chẳng hạn như hiện nay, rất nhiều thương hiệu thiết lập câu lạc bộ chạy bộ và hoạt động phần lớn miễn phí, người tham gia chỉ cần chọn một nơi, ngày tập, đăng ký là có thể được hướng dẫn về kỹ thuật chạy, dinh dưỡng… bởi các VĐV, HLV là chuyên gia hàng đầu và tất nhiên miễn phí.

Kinh doanh hiện nay phải bắt kịp xu hướng, nên các phòng tập, từ chỗ hoàn toàn có thể tìm cách gắn mình với phong trào chạy bộ, thì việc không theo kịp đã khiến cho hình ảnh không còn thu hút. Cần phải nhấn mạnh, vẫn có nhiều phòng tập vận hành tốt, dịch vụ chất lượng, nhưng đã đến lúc, nên có các hoạt động làm mới mình, hoặc những cuộc tái cấu trúc, nâng cấp để giữ được một thị trường vẫn có nhiều tiềm năng, tránh việc một ngày nào đó, đột ngột thông báo phải đóng cửa.