Cơ hội du lịch tại chỗ

Du lịch tại chỗ (staycation) là thuật ngữ chỉ việc lưu trú, trải nghiệm (stay) kỳ nghỉ (vacation) ở chính nơi đang sinh sống.
0:00 / 0:00
0:00

Nếu xem du lịch là sự di chuyển, trải nghiệm khung cảnh, dịch vụ, đồng thời chi tiêu cho các hoạt động này thì du lịch tại chỗ có thể là một "mỏ vàng" để khai thác trong cả ngắn lẫn dài hạn. Có một thực tế là người ở Đà Lạt, chưa chắc đã tham quan hết các thắng cảnh, địa danh tại tỉnh Lâm Đồng như du khách đến từ TP Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội; không phải người TP Hồ Chí Minh nào cũng đã trải nghiệm hết 21 quận, huyện, TP Thủ Đức… Đây là chuyện bình thường, vì du khách có xu hướng đi đến địa phương khác để khám phá nhưng đồng thời cũng tạo ra những cơ hội cho hoạt động du lịch tại chỗ.

Chẳng hạn, Phú Nhuận là một trong những quận có diện tích nhỏ tại TP Hồ Chí Minh, nhưng lại có nhiều đặc điểm để trải nghiệm du lịch cho ngay cả người dân tại địa bàn. Phố ẩm thực Phan Xích Long là một không gian trải nghiệm nổi tiếng bậc nhất của quận Phú Nhuận, mà giới trẻ vẫn hay gọi đùa là “San Francis Long”. Vấn đề không chỉ là hàng quán đông đúc trên con đường Phan Xích Long mà chính không khí và động lực của con phố ẩm thực này thu hút người địa phương. Một người dân tại quận Phú Nhuận cho biết, điểm nổi bật của khu Phan Xích Long là việc hàng quán mọc lên liên tục, có chọn lọc và những “tân binh” thường có nhiều điểm thu hút, chẳng hạn món ăn mới lạ hơn, hàng quán mở sau cũng có cách thiết kế (concept) bắt mắt, thú vị hơn.

Không chỉ có ẩm thực, Phú Nhuận trong nhiều năm gần đây còn nổi tiếng bởi những con hẻm có nhiều bức tranh tường vừa bắt mắt, vừa có tính nghệ thuật, trở thành không gian trải nghiệm, chụp ảnh check in, cho cả người địa phương và du khách. Thử đặt một tình huống, nếu một nhóm bạn trẻ ở Phú Nhuận buổi sáng chụp ảnh với một bức tranh tường, sau đó ra phố ẩm thực Phan Xích Long ăn sáng và uống cà-phê, rồi đăng tải tất cả các hoạt động lên mạng xã hội, thì rõ ràng những hành động này chính là hình thái của du lịch, mà ở đây là du lịch tại chỗ. Những hoạt động tại chỗ này hoàn toàn có thể thu hút người từ quận khác, hoặc du khách từ tỉnh thành khác đến và trải nghiệm.

Chỉ một quận có diện tích nhỏ như Phú Nhuận cũng cho thấy tiềm năng du lịch, có thể khơi gợi ra cách làm du lịch tại chỗ ở nhiều nơi khác. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng phân tích: “Ẩm thực là một yếu tố quan trọng để phát triển du lịch nói chung và du lịch tại chỗ nói riêng, vì đây là một lĩnh vực có sự giao thoa và tính lan tỏa cao bậc nhất. Du khách có xu hướng chọn những quán ăn có đông người địa phương. Vì vậy, người địa phương vừa tạo ra nguồn thu du lịch tại chỗ, mà lại vừa là đại sứ đáng tin cậy cho du khách”.

Từ ý kiến này, nhìn lại trường hợp của phố ẩm thực Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh, có thể thấy phát triển ẩm thực là một giải pháp để phát triển du lịch tại chỗ. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng cho biết, yếu tố mới lạ nhưng cần thiết là điều bắt buộc trong phát triển các lĩnh vực tại chỗ. “Tôi đang ấp ủ việc phát triển và phổ biến các loại hình liên quan đến rau quả, vốn là thế mạnh của tỉnh Lâm Đồng. Loại hình ẩm thực này không chỉ dành cho du khách mà ngay cả người địa phương cũng có nhu cầu hướng tới lối sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, ăn uống điều độ...”, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.