Thấy gì từ sự ra đi của Gojek?

Chỉ còn đúng một tuần nữa, vào ngày 16/9 tới đây, "kỳ lân" công nghệ Gojek sẽ chấm dứt hoạt động tại Việt Nam. Khoảng sáu năm trước, Gojek lần đầu có mặt tại Việt Nam với thương hiệu GoViet nhưng hai năm sau đó chuyển thành Gojek Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00

Và trong thời gian hoạt động của mình, có thể nói ngoài yếu tố rẻ so với một số đơn vị trên cùng thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam, Gojek không để lại được ấn tượng đặc biệt nào.

Trước tiên, hãy nhìn lại thời điểm ngày 5/9 khi Gojek tuyên bố rút khỏi Việt Nam cho đến ngày thực hiện là 16/9, tức là thời hạn còn lại chỉ có khoảng 10 ngày, một khoảng thời gian quá chóng vánh và cũng đủ nói lên sự khốc liệt, dù nhìn ở bất kỳ góc độ nào. Hơn nửa thập kỷ hoạt động, có thể thị phần không lớn, nhưng rõ ràng Gojek cũng có chỗ đứng nhất định, một lượng lái xe, nhân sự cơ hữu, rồi thị phần, khách hàng... Và để có được những lợi thế này, doanh nghiệp đã phải đánh đổi bằng công sức, tiền bạc. Nhưng trong thực tế, những tài sản hay ưu thế đó thậm chí còn không thể chuyển nhượng cho các đối tác khác, đồng nghĩa cho thấy sự khốc liệt của thị trường. Tham gia rất tốn kém để chiếm giữ được một phần của "miếng bánh", nhưng khi không thể giữ được thì doanh nghiệp phải bỏ lại tất cả.

Phân tích đến yếu tố giá, một trong những lợi thế ít ỏi của Gojek trên thị trường Việt Nam, có thể thấy đây là điều cần thiết để tồn tại với lĩnh vực công nghệ, hay thậm chí xa hơn là với các startup, nhưng chỉ vậy chưa đủ. Giá cả quan trọng, nhưng cũng là yếu tố dễ cạnh tranh nhất và trong thời gian hoạt động, Gojek cũng chứng kiến nhiều đối thủ xuất hiện và cứ mỗi lần có người chơi mới là cuộc cạnh tranh giá lại xuất hiện. Yêu cầu bắt buộc ở đây là giảm giá phải đi kèm mở rộng thị phần, và khi một bên chạy chương trình khuyến mãi, giảm giá thì các bên còn lại cũng không thể ngồi yên. Kết quả là bên nào giảm giá nhưng không thể vận hành các chương trình khác như marketing, chăm sóc khách hàng một cách khéo léo thì thị phần có thể bị teo tóp, qua đó vị thế, dòng tiền bị ảnh hưởng.

Đối với nhiều người, cho đến trước khi Gojek tuyên bố rút khỏi Việt Nam, cảm nhận thị trường gọi xe công nghệ có vẻ ổn, dù cũng có những dấu hiệu bão hòa. Nhưng sự rút lui của doanh nghiệp này cho thấy thị trường chưa bao giờ ổn định mà trái lại, mức độ cạnh tranh khốc liệt vẫn cứ âm ỉ theo nhiều góc độ. Nhìn rộng hơn nữa, cuộc chơi của những startup dùng tiền để đánh đổi lấy thị phần và chờ đợi thời cơ cũng sẽ tiềm ẩn những rủi ro lớn. Nếu những startup này không thể kêu gọi được vốn để mở rộng thị phần, quy mô thì sẽ như thế nào? Nếu những startup này không thể sang tay cho nhà đầu tư khác thì hoạt động sẽ kéo dài đến đâu? Những câu hỏi này có lẽ vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới và startup hay công nghệ nhìn thì có vẻ hào nhoáng, tràn đầy năng lượng nhưng song song với đó cũng sẽ có rất nhiều rủi ro mà không thể “nói hay” hoặc “nói trước” được.