Chủ động, nghiêm túc trong phòng, chống bão lũ

Cơn bão số 3 có tên quốc tế là Yagi vừa càn quét nhiều tỉnh, thành phố nước ta và để lại những hậu quả nặng nề về người và tài sản.
0:00 / 0:00
0:00

Trong lúc này, khi nhiều địa phương vẫn đang tiếp tục gồng mình khắc phục hậu quả do mưa, bão, lũ gây ra và tiếp tục ứng phó với đợt áp thấp tới do hoàn lưu bão gây ra, có thể thấy rằng, công tác chủ động, ứng phó phòng, chống tác hại của bão, mưa, lũ, sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm đến mức thấp nhất những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Những ngày dông bão vừa rồi và nhiều lần trước đó nữa, cây đổ gây thương vong cho nhiều người, thật đau lòng và nơm nớp cho những ai đi trên đường khi mưa gió. Công việc kiểm tra, gia cố, chống đỡ, cắt cây, tỉa cây xanh được tiếp tục nói đến như một yếu tố cấp thiết trước mỗi mùa mưa bão. Cũng tương tự với đó là những sự cố đứt dây, đổ cột điện, bay tấm tôn, vỡ tấm kính… Lại cả sự cố nhà sập lúc mưa to gió lớn vừa rồi, đều có liên quan đến trách nhiệm của các đơn vị như chăm sóc cây xanh, môi trường, xây dựng, quản lý đô thị…

Qua cơn bão số 3 vừa rồi với những thống kê thiệt hại ban đầu về người là hàng chục người chết, hàng trăm người bị thương; thiệt hại về tài sản, vật chất là rất lớn, các đơn vị chức năng liên quan cần rà soát, đánh giá lại việc triển khai các giải pháp phòng, chống thiên tai đang làm, quan trọng hơn là xây dựng các giải pháp mới sát thực, khả thi, hiệu quả hơn. Thí dụ, cùng với một phần lý do trong việc cắt tỉa chưa đủ để cây tránh, chịu gió mạnh, thì nguyên nhân nào nữa đến từ việc trồng, chăm sóc, từ tình trạng cắt rễ, úng gốc do những tác động khác trong quá trình làm hè, làm đường, xây nhà…? Cột gãy đổ, thiết bị rơi, vật liệu vỡ… có liên quan gì từ chất lượng thi công, chằng buộc, cố định và việc quản lý xây dựng, chỉnh trang ở cơ sở? Các biệt thự, nhà cũ, cổ xuống cấp trong phố đã tiếp tục được gia cố, chằng chống thế nào, được sửa chữa lại chưa, hay vẫn như lâu nay dư luận cấp báo, người dân sở tại lo sợ…?

Nhiều câu hỏi cần tiếp tục được đưa ra và trả lời triệt để, cụ thể, có gắn với trách nhiệm, nhiệm vụ của các sở, phòng, ban như xây dựng, giao thông, tài nguyên môi trường, văn hóa, truyền thông, chính quyền địa phương cấp quận, phường… liên quan, cùng với thái độ công vụ của họ. Vấn đề nữa là cần đặt ra để cùng thảo luận, mổ xẻ, tháo gỡ ngay, trong bối cảnh mà thiên tai, tác động xã hội, sự cố đời sống… đang xảy ra nhiều, thường xuyên, nối tiếp, cùng lúc như hiện nay. Đặc biệt là đã có những cảnh báo về mùa bão năm nay sẽ càng phức tạp, khốc liệt. Chứ không thể coi thường cho rằng, lâu lắm mới có cơn bão, phố thì cả trăm nghìn cây như thế kia, biết cái nào sắp đổ…

Đó cũng chính là những vấn đề, mục tiêu cho những việc cần làm ngay để chủ động, nghiêm túc trong phòng, chống bão lũ.