Xây dựng chiến lược hạ tầng điện cho công nghiệp hóa

Tại thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện khí, gió ngoài khơi, Bộ Công thương được giao rà soát tổng thể các nguồn điện trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến 2030 (Quy hoạch điện VIII).

Ngoài ra, Bộ Công thương còn được giao nghiên cứu kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân của các nước trên thế giới để đề xuất phát triển loại năng lượng này tại Việt Nam trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định.

Quay trở lại quá khứ, đã có thời điểm chúng ta rất gần với điện hạt nhân. Năm 2016, Quốc hội thông qua Nghị quyết dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận để dồn lực cho các dự án trọng điểm khác. Tính từ thời điểm đó, điện hạt nhân hiếm khi được nhắc tới mặc dù nguy cơ thiếu điện ngày càng trở nên thường trực. Trong Quy hoạch điện VIII, phát triển điện hạt nhân cũng không được nhắc tới.

Mùa hè năm 2024, chúng ta đã tránh được kịch bản thiếu điện của năm 2023. Bộ Công thương đã chuẩn bị một loạt giải pháp linh hoạt đáp ứng nhu cầu điện trong mùa cao điểm. Các hồ thủy điện được tích nước đầy đủ, các nguồn năng lượng tái tạo được khai thác tối đa và đặc biệt là phương án tăng cường nhập khẩu điện từ Lào. Mối lo trước mắt tạm thời qua đi, nhưng vẫn chưa đủ để giải quyết dứt điểm những hạn chế trong hạ tầng điện.

Có một thực tế dễ nhận ra, năng lực thủy điện của Việt Nam đã tới hạn. Thêm vào đó thủy điện tốn diện tích mặt bằng, có nguy cơ làm mất cân bằng sinh thái, chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu… Nhiệt điện gây ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính. Một số dạng năng lượng tái tạo khác như điện gió, điện mặt trời… đều mang theo những hạn chế cố hữu như giá thành, tốn diện tích. Các quốc gia châu Âu hay Mỹ những năm gần đây không chỉ hạn chế các nhà máy nhiệt điện mà còn bắt đầu dỡ bỏ dần các đập thủy điện, khôi phục dòng chảy tự nhiên.

Những bất cập trong công tác huy động vốn, công nghệ càng ngày siết chặt các nước đang trong tiến trình công nghiệp hóa. Có một thực tế là một số quốc gia đang công nghiệp hóa hoặc đã phát triển đều phải lựa chọn điện hạt nhân để bảo đảm nhịp độ phát triển kinh tế. Theo dự báo mới nhất của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), sản lượng điện hạt nhân toàn cầu sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm tới, đánh dấu sự hồi sinh của công nghệ điện hạt nhân và giúp thúc đẩy nỗ lực cắt giảm lượng khí thải nhà kính. Các yếu tố từ chủ quan lẫn khách quan đang định hình nên một xu hướng rõ ràng. Vì thế, nếu có được phương án phát triển điện hạt nhân khả thi, bảo đảm an toàn, thì đây có thể là một gợi ý cần lưu tâm để chúng ta khắc phục được những khó khăn hoặc điểm yếu cố hữu trong hạ tầng điện, bảo đảm an ninh năng lượng phục vụ mục tiêu phát triển đất nước.