Nâng cao sức đề kháng trước thiên tai

Chúng ta đang ở trong giai đoạn nửa đầu mùa mưa bão và những biện pháp phòng chống cần phải được triển khai khẩn trương. Nhưng không chỉ là việc thực hiện các biện pháp trước mắt, mà điều quan trọng là thay đổi sâu sắc nhận thức và hành động của mỗi người dân.
0:00 / 0:00
0:00

Thực tế, đã có nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra khi người dân không chịu tuân thủ nghiêm túc các biện pháp an toàn phòng tránh bão, hay thuyền đánh cá không trang bị đầy đủ thiết bị liên lạc... Mọi người đều biết rằng, thiên tai có thể cướp đi tính mạng và tài sản, nhưng vì lợi ích trước mắt và sự chủ quan, nhiều người dân đã chọn cách phớt lờ các biện pháp an toàn. Một số ngư dân tự tin vào kinh nghiệm cá nhân, tin rằng họ có thể đối phó với bão tố chỉ dựa vào bản năng sinh tồn, mà không biết rằng điều này có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường. Khi thiên tai ập đến, dù có kinh nghiệm đến đâu, con người cũng rất khó có thể chống lại sức mạnh tàn phá của tự nhiên, nhất là đối với những cơn bão mạnh có sức tàn phá lớn như bão số 3.

Hậu quả của sự chủ quan này không chỉ giới hạn ở tính mạng cá nhân mà còn ảnh hưởng đến sự an toàn của cộng đồng. Những khu vực ven biển, vùng ngập lụt hay những nơi có nguy cơ sạt lở đất đều đối diện với nguy hiểm tiềm tàng. Những hành động bất cẩn như trốn kiểm định tàu thuyền, không tuân theo hướng dẫn di dời, hay cố thủ tại nhà, trên sông, biển... khi bão, lũ đến đều không chỉ đặt mạng sống của họ vào tình thế nguy hiểm, mà còn tạo thêm gánh nặng cho lực lượng cứu hộ và chính quyền địa phương.

Những cảnh báo từ chính quyền, những cuộc tuyên truyền về phòng chống thiên tai, tuy đã được tiến hành nhiều nơi, nhưng dường như vẫn chưa đủ mạnh để thay đổi triệt để nhận thức của mọi người. Trong thời gian qua, chính quyền và các cơ quan chức năng đã luôn nỗ lực phối hợp, theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai và tổ chức các biện pháp cứu trợ, phòng chống kịp thời. Nhưng sự hiệu quả của những biện pháp này sẽ không thật sự bền vững nếu thiếu đi sự hợp tác từ phía người dân.

Thực tế này đặt ra một câu hỏi lớn: Làm sao để nâng cao ý thức cộng đồng về thiên tai? Làm sao để mọi người hiểu rằng việc chủ động phòng ngừa không chỉ bảo vệ tính mạng và tài sản của chính họ, mà còn góp phần bảo vệ cộng đồng chung quanh? Câu trả lời nằm ở việc tăng cường tuyên truyền và giáo dục cộng đồng về tầm quan trọng của việc phòng chống thiên tai. Các chiến dịch cần phải lan tỏa rộng rãi, không chỉ giới hạn ở những khu vực nguy cơ cao, mà còn cần đến từng người dân, từng gia đình. Điều này đòi hỏi sự phối hợp mạnh mẽ giữa chính quyền, các tổ chức và người dân.

Thủ tướng Chính phủ đã từng chỉ đạo về việc kiểm soát chặt chẽ quy hoạch và xây dựng, nhất là tại những khu vực có nguy cơ cao xảy ra thiên tai. Xử lý nghiêm các trường hợp phá rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ, vốn là "lá chắn" tự nhiên quan trọng trước thiên tai. Những biện pháp này, nếu được thực hiện đúng đắn, đồng bộ, sẽ góp phần giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.