Quy hoạch hướng tới phát triển bền vững

Dù rằng công tác dự báo về thời tiết cực đoan hiện ngày càng chính xác, giúp cho các cơ quan chức năng và nhân dân chủ động phương án phòng tránh, tuy nhiên, hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra vẫn đang gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.

Cơn bão Yagi vừa qua đang gây hậu quả nặng nề về người và tài sản ở các tỉnh miền bắc cho thấy những hiện tượng thời tiết cực đoan đang ngày càng trở nên nguy hiểm hơn, với sức tàn phá lớn hơn rất nhiều dự tính của con người. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố khách quan cũng có một thực tế cần nhìn nhận thấu đáo để phân tích, rút ra kinh nghiệm là những tác động chủ quan của con người đang dần làm mất đi tính cân bằng của tự nhiên.

Trước đây, ở các vùng nông thôn thuộc khu vực đồng bằng có hệ thống ao, hồ tương đối bảo đảm tính hài hòa. Ngày nay, xu hướng đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, rất nhiều ao hồ được lấp đi để làm nhà, làm các công trình, do đó hệ thống thoát nước tự nhiên giảm đi đáng kể cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến ngập úng ở nhiều vùng nông thôn. Đối với vùng nông thôn thuộc miền núi, vì mặt bằng hạn chế dẫn đến hiện tượng san ủi đồi, núi để làm nhà, làm các công trình diễn ra nhiều hơn so với trước đây, nên dễ dẫn đến sạt lở. Mặt khác, nhiều khe suối trước đây thường xuyên có nước chảy bốn mùa, nhưng nay không có nước chảy thường xuyên. Hiện tượng đó được cộng đồng dân cư sống quanh khu vực gắn cho tên gọi “suối cạn”. Vì “suối cạn”, nên người dân sẵn sàng làm nhà và các công trình lấn vào các dòng suối đó. Khi có hiện tượng thời tiết cực đoan, mưa bão lớn, lượng nước đột ngột xuất hiện nhiều, dòng chảy trở về đúng dòng chảy ngày trước của suối, cuốn theo người, tài sản và các công trình quanh đó.

Bởi vậy, công tác lập quy hoạch cần được thực hiện đúng theo quy định, trong đó chú trọng đến việc xin ý kiến cộng đồng dân cư và công khai tuyên truyền rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân để nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt.

Với mỗi gia đình, cần đối chiếu với quy hoạch của khu vực mình đang sinh sống để có cách xây dựng phù hợp, đúng với quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết. Có như vậy mới tạo tính đồng bộ, tổng thể, không bị phá vỡ quy hoạch, bảo đảm tính cân bằng trong tự nhiên, tránh gây lãng phí và mất cân đối hài hòa giữa các công trình.

Việc đẩy mạnh công tác giám sát cộng đồng đối với các hộ gia đình trong việc chấp hành quy hoạch, qua đó kịp thời phát hiện các trường hợp xây dựng các công trình không đúng quy hoạch là rất cần thiết.

Vẫn biết rằng, nhu cầu về chỗ ở ngày càng tăng, dẫn đến có thể công tác lập quy hoạch chưa theo kịp nhu cầu, quy hoạch đã được phê duyệt, trong thực tế còn rất nhiều khó khăn. Nhưng các đợt bão, lũ vừa qua đang gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh để con người cần đối xử công bằng với thiên nhiên. Do đó, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với công tác quy hoạch, phục vụ mục tiêu phát triển một cách lâu dài và bền vững.