Đừng quên đường ngoại thành

Chúng tôi có đi ra ngoài ngoại thành và một số địa phương lân cận đô thị lớn, quan sát một số địa bàn nông thôn, cho đến khu vực bán sơn địa, thấy có thực tế đáng phải điều chỉnh từ sớm.
0:00 / 0:00
0:00

Nếu để kéo dài thì tương lai không xa sẽ trở nên khó xử và trở thành bất cập tồn tại, như đã có và vẫn đang tồn đọng lâu ở khu vực nội đô.

Đó là tình hình đường giao thông nhỏ hẹp trong các khu dân cư mới, các cộng đồng dân cư ở nơi đang đô thị hóa hoặc khu vực nông thôn đang phát triển xây dựng. Thời gian qua, điều kiện kinh tế phát triển, nhiều gia đình trong nội đô ra mua đất ở ngoại thành, ở vùng bán sơn địa làm trang trại, làm nhà, vườn. Ở các thôn, xóm, người dân sở tại cũng khấm khá lên, xây nhà, vườn, tường bao, mở quán xá, xây cửa hàng với nhiều loại dịch vụ. Kể cả các đô thị nhỏ của huyện, rồi đô thị thuộc tỉnh khi được mở rộng, chỉnh trang, cũng rộng thoáng thêm ra những đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ, đường liên xã. Tuy nhiên, rất nhiều nơi mở ra, nới thêm, nhưng những con đường, lối đi ăn vào các khu dân cư đang ngày càng sầm uất thì lại nhỏ hẹp, thậm chí uốn éo, vòng vèo, đi lại vừa khó khăn, chật chội, vừa tiềm ẩn nguy cơ va chạm khi mà ở địa bàn này, nhiều người vốn vẫn “lười” đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Hoặc có tâm lý đi trong làng, trong xã thì không đông như ngoài đường cái, cứ phóng nhanh, không sợ!

Tình trạng đường nội khu chật hẹp ta đã thấy qua sự “chịu đựng” ở rất nhiều địa bàn nội thành. Nhà cửa khang trang nhưng ngõ ngách thì bé “tí tẹo”, lại luồn lách đủ kiểu, đi lại vừa khó vừa phức tạp. Thậm chí, đây cũng là một nguyên nhân cản trở không nhỏ đến công tác phòng, chống hỏa hoạn, đến việc phản ứng nhanh của lực lượng cứu hỏa trong bối cảnh hỏa hoạn xảy ra liên tục gần đây. Tình trạng nội đô này có lẽ còn rất lâu mới giải quyết được, vậy mà đã xuất hiện ở ngoại thành, ở địa phương ngoài đô thị lớn, tưởng vốn là nơi đất rộng, người chưa quá đông. Đó là cảnh báo cho những khó khăn, bất cập và hệ lụy kéo dài cho công tác quy hoạch hôm nay và điều chỉnh, sửa chữa sau này.

Thật vậy! Khi còn chưa quá muộn thì việc ưu tiên quỹ đất làm đường nội khu, trong làng, trong xã… bảo đảm rộng, thoáng về không gian và khoa học, an toàn về hướng, độ dài, độ thẳng, vị trí giao cắt… cần phải được thực hiện ngay. Như vậy mới duy trì đường lối, giao thông thuận lợi cho người dân, sẵn sàng trước cho tương lai không xa, mật độ dân cư, phương tiện, dịch vụ còn tăng lên nữa. Chứ lúc đã thấy quá chật, mới lại tính toán mỗi nhà lùi lại một chút, hoặc vận động hiến đất để làm đường chung thì hàng loạt nhà đã xây tường, xây nhà kiên cố rồi, việc chia sẻ vì quyền lợi chung cũng thêm khó khăn và tốn kém.

Hạ tầng cơ sở thuận lợi chính là một phần chất lượng cuộc sống, không thể bỏ qua. Phải nhìn trước và nhìn ngay hệ quả hôm nay để điều tiết cho dân được hưởng.