Thuốc “bổ” hại “lung tung”

Bác hàng xóm nhà tôi đi vội ra hiệu thuốc gần nhà để mua cho mẹ đã hơn 80 tuổi đơn thuốc mà sáng nay vừa đưa cụ đi khám ở một bệnh viện T.Ư có tiếng. Cụ bị tim mãn tính, vẫn uống thuốc đều, chỉ có điều, thời gian gần đây, thời tiết thất thường nên cụ hay mệt và đơn thuốc của cụ cũng “bất thường” hay sao?
0:00 / 0:00
0:00

Lướt qua đơn thuốc, ngoài thuốc chữa bệnh, tôi còn thấy có thêm bốn loại thuốc bổ. Khi con gái cụ hỏi nhân viên hiệu thuốc mới biết, đó là các loại thuốc bổ gan, bổ thần kinh, khoáng chất...

Bấy lâu, được con gái quan tâm, cụ cũng vẫn uống thuốc bổ, chủ yếu là vitamine tổng hợp dành cho người già và uống theo đợt chỉ định của bác sĩ. Lần này, số thuốc bổ tăng lên đáng kể nên đơn thuốc của cụ cũng tốn kém thêm. Theo nhẩm tính của cô con gái, cũng hơn cả triệu bạc cho “mớ” thuốc ấy. Trong đó, đắt nhất là hai loại thuốc bổ tuần hoàn não do nước ngoài sản xuất.

Con của cụ đã đem thắc mắc của mình xin tư vấn một bác sĩ chuyên môn tim mạch. Vị bác sĩ nói ngay, cái hại thứ nhất là thuốc bổ “đánh” vào “túi tiền” của người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân nghèo. Thứ hai là uống nhiều thuốc vừa thuốc điều trị và nhiều thuốc bổ sẽ tăng nguy cơ tác dụng phụ và phản ứng chéo giữa các thành phần với nhau. Ngoài ra do quá nhiều loại thuốc, người bệnh, đặc biệt người già có nguy cơ lẫn lộn không phân biệt được đâu là thuốc bổ, đâu là thuốc điều trị thật sự dẫn đến quên thuốc, bỏ thuốc...

Những kỳ thi căng thẳng vừa qua, nhiều phụ huynh cũng phàn nàn về việc họ cho con em uống nhiều loại thuốc bổ đắt tiền mà kết quả học tập, thi cử của con vẫn không như ý. Khi bác sĩ hỏi thì các mẹ mới giãi bày, dù uống nhiều thuốc bổ nhưng các sĩ tử không ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nghỉ ngơi không hợp lý lại liên tục uống cà-phê, nước ngọt, nước tăng lực… nên không hiệu quả. Thậm chí có em suy kiệt cơ thể, tâm lý bất an khiến học tập không tập trung.

Trên thế giới hiện nay, các thuốc bổ không cần kê đơn có thể mua được ở siêu thị nên có rất nhiều hàng “xách tay” mang về Việt Nam. Còn trong nước, các loại thuốc bổ được quảng cáo “không giới hạn” trên các phương tiện truyền thông, nhiều bác sĩ kê đơn phóng tay và các nhà thuốc cứ hễ thấy bệnh nhân ra mua thuốc lại “chèo kéo” mua thuốc bổ mà không cần khám bệnh, chẩn đoán. Chưa kể, người dân vốn có quan niệm, cứ uống thuốc bổ là “không bổ ngang, cũng bổ dọc” nên truyền tai nhau uống thành những phong trào...

Việc mua và sử dụng các loại thuốc bổ, vi chất dinh dưỡng đối với mọi người đều rất dễ dàng, thậm chí còn được ví như mua mớ rau ngoài chợ. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các bác sĩ, việc sử dụng thuốc thận trọng, đúng cách luôn là yếu tố quan trọng và cần thiết để bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là đối với người già và trẻ em.