Vòng xoáy đáp trả

Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã nhất trí áp giá trần 60 USD/thùng đối với dầu mỏ xuất khẩu của Nga vận chuyển qua đường biển, bắt đầu áp dụng từ ngày 5/12. Trong khi đó, Moscow tuyên bố không cung cấp dầu, khí đốt cho các nước ủng hộ động thái trên, đồng thời cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả. Bước leo thang mới nhất trong “cuộc chiến giá dầu” giữa Nga và phương Tây đang đe dọa gây bất ổn cho thị trường năng lượng toàn cầu..
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: PLOP & KANKR
Biếm họa: PLOP & KANKR

Hôm 3/12 vừa qua, theo AP, với mục tiêu hạn chế nguồn thu ngân sách của Nga, các nước thành viên Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7) và Liên minh châu Âu (EU) đã hoàn thành việc phê chuẩn bằng văn bản đối với mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của Nga. Động thái này nhằm hạn chế thu nhập của Nga từ dầu mỏ nhưng vẫn duy trì dòng chảy dầu của nước này trên thị trường toàn cầu.

Từ thời điểm 5/12, EU sẽ không còn mua dầu thô xuất khẩu của Nga. Việc đưa ra mức giá trần đồng nghĩa với việc các nước tham gia sẽ chỉ được phép mua dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ vận chuyển qua đường biển của Nga được bán bằng hoặc thấp hơn mức giá trần. Ngoài ra, EU cũng sẽ ngừng nhập khẩu các sản phẩm từ dầu của Nga từ ngày 5/2/2023. Theo Ủy ban châu Âu (EC), mức giá trần đối với các sản phẩm dầu của Nga trong thời gian tới sử dụng cùng cơ chế đối với giá dầu thô.

Trong phản ứng mới nhất, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak tuyên bố, Nga sẽ không xuất khẩu dầu mỏ dưới mức giá trần, ngay cả khi nước này phải cắt giảm sản lượng. Phát biểu ý kiến trên kênh truyền hình Rossiya-24, Phó Thủ tướng Novak nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ bán dầu thô và các sản phẩm dầu cho các quốc gia mà sẽ làm việc với chúng tôi theo các điều kiện thị trường, ngay cả khi chúng tôi phải cắt giảm sản lượng một chút”. Ông Novak tái khẳng định quan điểm của Nga là không thay đổi, khi cho rằng việc áp giá trần đối với dầu mỏ của nước này là biện pháp không hiệu quả, mang tính “phi thị trường”, can thiệp vào thị trường và đi ngược lại tất cả các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Hiện, Chính phủ Nga đang xem xét cơ chế cấm buôn bán dầu mỏ trong điều kiện bị áp giá trần.

Hệ lụy đầu tiên từ động thái áp giá trần dầu mỏ của phương Tây với Nga đã xuất hiện, sau khi tờ Financial Times dẫn các nguồn tin cho biết đã xảy ra tình trạng tắc nghẽn tàu chở dầu tại các vùng biển ngoài khơi của Thổ Nhĩ Kỳ. Financial Times dẫn thông tin từ bốn quản lý cấp cao của các công ty trong ngành cho hay, tình trạng tắc nghẽn xảy ra khi Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu các tàu phải có bảo hiểm đầy đủ mới được đi qua các eo biển của nước này sau khi việc áp giá trần dầu thô của Nga có hiệu lực. Hiện, 19 tàu chở dầu đang chờ giấy phép để đi vào eo biển Bosporus và Dardanelles. Tàu chở dầu đầu tiên đến đây vào ngày 29/11 và đã phải xếp hàng chờ đợi sáu ngày qua.

Hiện, có tới 90% các công ty bảo hiểm trên đường biển đang thuộc các nước châu Âu như Anh, Luxembourg hay Thụy Điển. Vận chuyển đường biển mà không có bảo hiểm ẩn chứa nhiều rủi ro và thường là yêu cầu không thể thiếu của loại hình vận tải này, do đó các nước phương Tây có thể kiểm soát giá dầu được bán thông qua các hợp đồng vận chuyển với dầu từ Nga.

Tuy nhiên, việc phương Tây thật sự kiểm soát được việc xuất dầu của Nga trên biển là điều chẳng dễ dàng. Theo Arab News, Nga sẽ làm việc trực tiếp với các đối tác nhằm ổn định nguồn nhập khẩu, cũng như tìm cách đẩy mạnh lĩnh vực bảo hiểm hàng hải của riêng mình để tránh các biện pháp trừng phạt một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, phương Tây cũng chẳng thể kiểm soát được lượng dầu mà Nga bán ngoài sổ sách cho các đối tác bằng cách sử dụng những tàu vận chuyển dầu của nước này.

Hiện, chưa rõ Nga sẽ có biện pháp đáp trả nào đối với việc phương Tây áp giá trần dầu mỏ, song chắc chắn rằng các biện pháp trả đũa giữa hai bên sẽ khiến thị trường năng lượng toàn cầu thêm bất ổn, và chính người tiêu dùng sẽ là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.