Vinh dự bảo tồn, phát huy di sản

Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp vào 16 giờ 12 phút, ngày 29/11/2022 giờ địa phương (Thủ đô Rabat của Vương quốc Ma-rốc, tức 22 giờ 12 phút giờ Việt Nam). Đây là di sản văn hóa phi vật thể thứ 15 của Việt Nam được ghi danh vào các danh sách của UNESCO.
0:00 / 0:00
0:00

Tin vui này đến với đồng bào Chăm - cộng đồng gìn giữ di sản và đông đảo người dân Việt Nam trong những ngày cả nước diễn ra nhiều hoạt động nhìn lại một năm phát huy tinh thần Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021. Trong đó có những hội thảo quốc gia được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, ngành văn hóa… đã và sẽ tổ chức nhằm tôn vinh, đề cao giá trị của văn hóa; định hướng và đề xuất các giải pháp phát huy mạnh mẽ vai trò của văn hóa vào phát triển kinh tế-xã hội, bồi đắp đạo đức, phẩm chất con người Việt Nam trong đời sống hiện đại.

Được biết, thời gian tới UNESCO sẽ tiếp tục xem xét hồ sơ Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ và Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam. Ở trong nước, thời gian qua, theo chỉ đạo của Chính phủ, bốn di sản văn hóa phi vật thể khác đang được xây dựng hồ sơ trình UNESCO, gồm: Mo Mường, nghệ thuật sơn mài, võ cổ truyền Bình Định, nghệ thuật chèo châu thổ sông Hồng. Điều này tiếp tục cho thấy sự chú trọng của Đảng, Nhà nước trong việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản vào xây dựng đất nước, hội nhập quốc tế.

Trong bối cảnh đó, với sự nhìn lại và đề ra những mục tiêu, kỳ vọng chung, chúng ta thêm nhận rõ sự tồn tại, song hành của di sản văn hóa và văn hóa nói chung ở rất nhiều lĩnh vực trong đời sống. Đặc biệt, có thể khai thác, vận dụng các giá trị di sản, văn hóa vào các hoạt động xây dựng, phát triển, lan tỏa hình ảnh đất nước, con người. Thực tế, nhiều những di sản lễ hội, nghệ thuật, võ thuật như trên, trong nhiều năm qua, đã trở thành niềm tự hào của người Việt Nam trong các hoạt động giao lưu nghệ thuật, ngoại giao văn hóa, phát triển du lịch, giao thương, đóng góp vào công tác đối ngoại, củng cố hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa nước ta với nhiều quốc gia trên thế giới.

Điều rất quan trọng để có được những hiệu quả ý nghĩa đó, chính là việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản, gồm cả các di sản cần được bảo vệ khẩn cấp hay di sản đại diện của nhân loại; cả các di sản đã được UNESCO ghi danh và các di sản đang được xây dựng hồ sơ. Đồng hành với cộng đồng lưu giữ, trao truyền di sản, thì cùng với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, không thể thiếu những cơ chế, chương trình hành động của các địa phương nơi có di sản. Bởi cả khi có chính sách hay, có nguyện vọng tha thiết của cộng đồng, nhưng nếu thiếu mối quan tâm đặc biệt của chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương, thì việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản còn gặp nhiều khó khăn.

Vì thế, vinh dự ghi danh cũng chính là trách nhiệm bảo tồn, phát huy một cách cụ thể về vai trò, nhiệm vụ. Một trách nhiệm cũng rất đỗi vinh dự, tự hào. Đặc biệt là trong sự tôn vinh di sản, đề cao văn hóa đang lan tỏa như một xu thế nhân văn và tiến bộ hiện nay.