Quan tâm tuyên truyền, giáo dục văn hóa giao thông

Văn hóa giao thông cần được định hình từ sớm, ngay trong lứa tuổi học sinh. Để học sinh tham gia giao thông an toàn, không chỉ nằm ở việc các em tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, mà các em còn cần được trang bị kỹ năng cơ bản về an toàn, kiến thức và nhận thức.
0:00 / 0:00
0:00

Lâu nay, ngành giáo dục cùng lực lượng công an và các cơ quan chức năng luôn có nhiều nỗ lực trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông tới học sinh, phụ huynh các trường học. Thế nhưng thực trạng học sinh vi phạm trật tự, an toàn giao thông vẫn đang diễn ra khá phổ biến.

Các lỗi học sinh thường vi phạm là điều khiển xe máy có dung tích xi-lanh trên 50 cm3, chở 3, hay đi xe máy không đội mũ bảo hiểm... Theo một thống kê mới đây của Công an thành phố Hà Nội, lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử lý hơn 1.600 trường hợp là học sinh vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đáng chú ý, trong số 1.600 trường hợp vi phạm có đến hơn 1.000 lỗi không đội mũ bảo hiểm. Đây là lỗi thuộc về ý thức khi tham gia giao thông.

Ngoài việc bị xử phạt, hành vi vi phạm của các em sẽ được thông báo về nhà trường để có hình thức xử lý, biện pháp giáo dục phù hợp. Cách làm này đã áp dụng thực hiện từ hơn 10 năm nay.

Hiện nay, để có kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông, các em đều học từ hướng dẫn của gia đình, hoặc bạn bè chỉ dạy lẫn nhau. Có thể nói, việc hướng dẫn, đào tạo kỹ năng cho các em như vậy là khá sơ sài, chưa bài bản.

Có nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc hướng dẫn kỹ năng điều khiển phương tiện tham gia giao thông cho học sinh cần được đưa vào giảng dạy, thực hành trong nhà trường như một môn học bắt buộc. Ngành công an hay ngành giao thông sẽ kiểm tra về lý thuyết và kỹ năng lái xe của học sinh. Khi hoàn thành các em có thể được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện lái xe tham gia giao thông.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang nghiên cứu nhiều giải pháp nhằm trang bị kiến thức cho học sinh khi tham gia giao thông. Trong đó có việc đưa nội dung thực hành kỹ năng điều khiển mô-tô, xe gắn máy, xe điện vào trường học. Các trường có thể lồng ghép, tích hợp vào các môn học chính khóa, các hoạt động trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống, câu lạc bộ...

Việc đào tạo kỹ năng cho học sinh tham gia giao thông ngay từ trong nhà trường cũng cần được đầu tư về cơ sở vật chất, từ chuẩn bị khuôn viên, mô hình hay phương tiện… Đây là giải pháp căn cơ, lâu dài để tạo nên văn hóa giao thông cho người dân, giảm được nhiều nguy cơ tai nạn giao thông về lâu dài.