Chủ động phát triển công nghiệp điện ảnh

Những ngày qua, câu chuyện loạt phim Việt ra rạp gây ấn tượng trong tuần lễ phim Tết, trong đó có phim tư nhân chiếm lĩnh các suất chiếu và phim sử dụng ngân sách Nhà nước sản xuất lập kỳ tích ngoạn mục gây “sốt” phòng vé là chủ đề được báo chí, truyền thông đề cập nhiều.
0:00 / 0:00
0:00

Những thành công của các bộ phim công chiếu vừa qua đã góp phần hút khách đến rạp và thúc đẩy cơ quan quản lý trong việc phát hành bộ phim sử dụng ngân sách Nhà nước sản xuất trên phạm vi cả nước. Trước đó, trước thềm liên hoan phim toàn quốc, một số bộ phim ra rạp, nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều từ khán giả, dư luận, báo chí, giới phê bình, cả các nghệ sĩ trong ngành. Đồng thời qua liên hoan, có phim thắng lớn, có phim “về không”, kể cả phim do tư nhân sản xuất hay do Nhà nước đặt hàng.

Sau một số những hiện tượng, sự việc như thế, dư luận, báo chí đã có những bàn luận sôi nổi, đa dạng về nhiều vấn đề, trong đó có câu chuyện chính sách, sự đầu tư đối với điện ảnh. Như vấn đề tăng cường đầu tư về kinh phí và tổ chức truyền thông cho các bộ phim Nhà nước đặt hàng vốn rất eo hẹp về khoản này, nhằm thu hút công chúng, tạo mối quan tâm cho dư luận. Như vai trò kiến tạo của cơ quan quản lý trong việc tổ chức các tuần lễ, sự kiện điện ảnh để gây chú ý với các bộ phim Việt. Như việc cần tham khảo cách làm của các nhà sản xuất phim tư nhân, các doanh nghiệp trong việc nghiên cứu khán giả, thúc đẩy giá trị thương mại, lan tỏa giá trị xã hội của các bộ phim…

Nhiều vấn đề, câu hỏi như thế, và trước đó nữa, trong năm 2023 cũng ghi lại không ít sự kiện luận bàn về vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa mà điện ảnh là một lĩnh vực đầy hứa hẹn; khai thác tiềm năng cảnh quan, dịch vụ, nhân lực cho điện ảnh ở các địa phương. Tuy nhiên, một số động thái từ phía điện ảnh trong nước cho đến hôm nay, trong cái nhìn của dư luận, công chúng, dường như vẫn phần nào có phần bị động, chậm chuyển biến so thực tế đời sống sản xuất, phát hành, quảng bá, truyền thông và bàn luận chung quanh các sản phẩm điện ảnh Việt.

Điều rất cần hiện nay đối với cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh, với ngành văn hóa là sự chủ động, tích cực, nhanh nhạy hơn trong việc nắm bắt thực tiễn, nghiên cứu thị trường, tìm hiểu giới nghệ sĩ điện ảnh, hợp tác với các đơn vị sản xuất phim tư nhân… nhằm tư vấn với Nhà nước những chính sách hợp lý và đề xuất, triển khai những chương trình hành động tích cực hơn cho điện ảnh. Qua đó, tăng cường kết nối công chúng với phim Việt; nâng cao khả năng hợp tác giữa các địa chỉ phát hành, chiếu phim với các nhà sản xuất phim Việt; lan tỏa rộng rãi giá trị của các bộ phim giàu chất lịch sử, văn hóa vốn gặp nhiều khó khăn, bất lợi trong việc quảng bá, phát hành…

Chủ động và bài bản, chuyên nghiệp hơn nữa trong sản xuất, phát hành các tác phẩm điện ảnh, đó là mong muốn chung trong bối cảnh mới, khi mà tiềm năng nghệ thuật, tiềm năng điện ảnh đang ngày càng được đề cao và chú trọng khai thác nhiều hơn từ các góc độ văn hóa, kinh tế, giáo dục, du lịch, đối ngoại... vì mục tiêu phát triển chung của xã hội.