Tạo thuận lợi phát triển kinh tế tư nhân

Ngay từ Đại hội VI của Đảng, phương hướng phát triển kinh tế của đất nước đã có sự thay đổi rõ rệt khi “Coi nền kinh tế có cơ cấu nhiều thành phần là một đặc trưng của thời kỳ quá độ”.
0:00 / 0:00
0:00

Đến Đại hội XIII, trải qua một chặng đường đổi mới đã cho thấy cả một bước tiến dài trong cả tư duy lẫn nhận thức. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ kinh tế tư nhân sáng tạo phát triển, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế”. Mục tiêu cụ thể đặt ra cho toàn bộ hệ thống chính trị, xã hội, “Phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60-65%”.

Trải qua những thời điểm khó khăn của thời kỳ đại dịch, bối cảnh chính trị thế giới biến động phức tạp, thực tế đã chứng minh định hướng đúng đắn của Đảng đối với lĩnh vực kinh tế này. Kinh tế tư nhân cùng với đầu tư công và khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trở thành động lực chính cho sự hồi phục và phát triển của đất nước.

Kinh tế tư nhân trong nước bao gồm kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể, có tỷ trọng đóng góp cho ngân sách ngày càng tăng, từ 11,7% năm 2011 lên đến 18,48% năm 2021. Đặc biệt giai đoạn từ năm 2017 đến nay, kinh tế tư nhân trong nước đóng góp ngân sách đã vượt 2 khu vực, còn lại là doanh nghiệp nhà nước và FDI.

Năm 2024, ba trụ cột để “chắp cánh” cho kinh tế Việt Nam tiếp tục được xác định là đầu tư công, kinh tế tư nhân trong nước và FDI. Trong đó, đầu tư công đóng vai trò dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực xã hội bao gồm kinh tế tư nhân trong nước và FDI. Câu chuyện đầu tư công còn rất dài, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như hiệu quả đầu tư công, khả năng vay nước ngoài… Với tiềm lực của đất nước hiện tại, rất khó lấy đầu tư công làm “đầu tàu” dài hạn. Khu vực FDI cũng đang cho thấy nhiều điểm hạn chế, như vấn đề tổn hại môi trường, phụ thuộc kinh tế nước nhận đầu tư, chi phí để thu hút FDI và sản xuất không thích hợp… Cuối cùng, đến thời điểm thích hợp, khi kinh tế tư nhân trong nước đủ điều kiện sẽ có khả năng trở thành trụ cột chính của nền kinh tế.

Tư duy và nhận thức phát triển kinh tế đã có những bước tiến dài, nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng vì còn khá nhiều vướng mắc. Cụ thể như cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân trong nước chưa thật sự rõ ràng, việc tạo lập vốn cho doanh nghiệp mới thành lập, hay vấn đề thúc đẩy tính sáng tạo, giảm số lượng doanh nghiệp tư nhân trong nước phá sản… Để phát huy mạnh mẽ tiềm năng khối doanh nghiệp tư nhân trong nước, chúng ta cần quyết liệt giải quyết những vấn đề đó. Khi “thời điểm thích hợp” đến sớm, nền kinh tế Việt Nam sẽ thêm vững vàng và có nhiều lợi thế.