Giữ an toàn khi đi trải nghiệm

Sau Tết, nhiều trường cho học sinh đi trải nghiệm nhằm tạo cơ hội để các em tìm hiểu các di tích, danh thắng, trau dồi thêm kiến thức lịch sử, địa lý, văn hóa; rèn thêm kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp… Đó là cách làm hay, ý nghĩa.
0:00 / 0:00
0:00

Tuy nhiên, có cảm giác nhiều trường còn chạy theo phong trào, thành tích, lạm dụng danh nghĩa trải nghiệm trong chương trình đào tạo để tổ chức những chuyến đi chơi xa. Thậm chí hoạt động này thường được liên kết với các công ty để tổ chức theo hướng các bên cùng có lợi.

Bên cạnh việc tổ chức các chuyến dã ngoại giúp cho các em học sinh có điều kiện đi tìm hiểu thực tế, hòa mình với thiên nhiên, việc bảo đảm an toàn cho các chuyến tham quan, trải nghiệm là vấn đề cần nghiêm túc đặt ra và thực hiện. Bởi mỗi trường, trong một buổi đi trải nghiệm thường có từ 10-20 lớp cùng tham gia. Như vậy có từ 10-20 xe chở các em. Mỗi xe khoảng 45-50 em học sinh. Như vậy, số học sinh tham gia là rất đông. Vấn đề an toàn là câu chuyện cần được cân nhắc. Bởi thực tế, đã xảy ra những vụ tai nạn đáng tiếc.

Ngoài ra, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng cần phải được quan tâm. Bởi các thực phẩm không rõ nguồn gốc trôi nổi trên thị trường rất nhiều. Một số cơ sở lưu trú, hoặc có dịch vụ đón học sinh đến tham quan, trải nghiệm vì muốn thu lợi nhiều đã nhập và bán những thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc khiến nhiều học sinh bị ngộ độc, hoặc sau chuyến đi có biểu hiện đau bụng, đi ngoài…

Nhiều phụ huynh rất “thấu hiểu” những điều này, nhưng vì con tha thiết được đi tham quan, trải nghiệm; vì ngại cô chủ nhiệm; vì con không đi thì phải nghỉ ở nhà (mà ở nhà thì bố hoặc mẹ phải nghỉ làm)… nên đã đồng ý ký vào tờ đăng ký và nộp tiền cho con tham gia những hoạt động học tập, trải nghiệm do nhà trường liên kết tổ chức.

Để hạn chế tiêu cực và phòng ngừa tai nạn từ hoạt động trải nghiệm, một số Sở Giáo dục và Đào tạo đã có những văn bản chấn chỉnh. Trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các trường không được tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh tiểu học vượt khỏi phạm vi thành phố. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng cho rằng, nên ưu tiên đưa học sinh đến các di tích lịch sử của Thủ đô.

Tổ chức đi trải nghiệm là hoạt động có ý nghĩa với học sinh, giúp các em có thêm kiến thức, vốn hiểu biết trong môi trường mới. Vấn đề cần quan tâm ở đây chính là cách thức tổ chức để làm sao thật sự khoa học, phù hợp lứa tuổi, có tác dụng giáo dục cao cho các em, cũng như tránh những chi phí quá tốn kém, ảnh hưởng tới điều kiện kinh tế của không ít cha mẹ học sinh. Làm được như vậy, thì các chuyến đi trải nghiệm của các em học sinh mới thật sự có ý nghĩa, trở thành những kỷ niệm đẹp trong cuộc đời các em mỗi khi nhớ về thuở còn cắp sách đến trường.