Phát triển văn hóa đọc

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024 có nhiều hoạt động hưởng ứng và đã được triển khai sớm, trên nhiều địa phương, địa bàn. Trong suốt thời gian qua, ngoài các hoạt động bày bán sách vốn đã quen thuộc cùng nhiều hình thức khuyến mãi, công chúng đã theo dõi, tham dự nhiều cuộc ra mắt, tọa đàm nhân những cuốn sách mới được ấn hành, trong đó có nhiều tác giả là người nước ngoài, tác giả người Việt Nam ở nước ngoài, các tác giả nổi tiếng trên thế giới…
0:00 / 0:00
0:00

Bên cạnh sách văn học vốn chiếm ưu thế trong quá trình phát triển văn hóa đọc, công chúng đã thấy nhiều hơn các công trình, ấn phẩm về nghệ thuật, văn hóa, khoa học, xã hội, công nghệ, sách kỹ năng cho cuộc sống. Cùng với đó, là các sự kiện trao đổi, tọa đàm, các chương trình trên báo chí, truyền thông về các vấn đề liên quan đến sách với nhiều chủ đề được mở rộng, như phát triển sách trên nền tảng số, thúc đẩy truyền thông sách sau khi in ấn, chống xâm phạm bản quyền về sách và trong công tác xuất bản… Ngoài các sự kiện ở đô thị, vùng trung tâm, các hoạt động còn đến với một số vùng xa, địa bàn ngoại thành, đến với học sinh nhiều trường học.

Có thể nói, vào dịp hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc, đang có thêm nhiều ý tưởng, cách làm mới mẻ khiến cho những ngày này thêm nhiều sắc màu. Đó cũng là điều tất yếu khi xã hội, công chúng bên cạnh việc cơ bản và phổ biến là mua, đọc sách một cách thông thường, thì vẫn có nhu cầu được tham dự vào những không khí sôi nổi của ngày hội sách; được nghe và tìm hiểu nhiều chủ đề khác nhau về sách, việc đọc, cách chọn sách, đọc sách trong bối cảnh hiện nay; cũng như được giao lưu, trò chuyện với những tác giả nổi tiếng và các bạn yêu sách khác; cả những trò chơi, những cuộc giao lưu vui vẻ, hài hước chung quanh những cuốn sách… Và các nhà xuất bản, công ty sách, đơn vị tổ chức hoạt động Ngày Sách và Văn hóa đọc cần phải suy tư, sáng tạo, đổi mới cách làm sao cho thu hút, cuốn hút, tạo hứng thú, để lại những ấn tượng, tình cảm tốt đẹp cho bạn đọc, bạn mua sách, công chúng theo dõi. Đó cũng là điều kiện không thể thiếu được cho sự thành công, phát hành được nhiều sản phẩm sách, được công chúng, xã hội ghi nhận, hưởng ứng.

Điều cần lưu tâm hơn, thúc đẩy nhiều hơn trong những dịp này, nên chăng, bên cạnh các hoạt động hoạt náo, mang màu sắc vui tươi, hào hứng hay thân mật của các sự kiện sách, thì cũng rất cần những chủ đề bàn luận về việc phát triển chính sách thúc đẩy văn hóa đọc cho vùng sâu, vùng xa; công bố những con số mới nhất về việc phát triển thư viện, tủ sách cho vùng nông thôn, miền núi; công khai những thông tin về thực trạng vi phạm bản quyền sách cũng như những vụ việc nổi cộm thời gian qua… Cùng với đó, cần có thông tin khảo sát cụ thể về tình hình đọc sách hiện nay, tỷ lệ trang bị sách trên đầu người tính theo tổng dân số cả nước và mỗi tỉnh, thành phố. Và đánh giá về hiệu quả, chất lượng đọc sách trong đời sống. Những việc đó sẽ góp phần giúp công chúng, các nhà quản lý và đơn vị xuất bản nắm bắt sâu sắc thêm thực trạng phát triển văn hóa đọc. Để lại có thêm những chính sách phù hợp, những ý tưởng hay, cách làm mới trong thời gian tới, trên con đường văn hóa đọc không bao giờ có thể ngừng nghỉ này.