Tạo đà cho tăng trưởng nhanh và bền vững

Theo số liệu công bố mới đây của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng quý I/2024 của nền kinh tế nước ta ước đạt 5,66%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất của quý I nếu tính từ năm 2020, thời điểm bắt đầu đại dịch Covid-19. Đồng thời cũng vượt qua mục tiêu tăng trưởng đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024, cả năm 2024 tăng trưởng 6 - 6,5%, quý I phấn đấu tăng trưởng theo hai kịch bản 5,2% và 5,6%.
0:00 / 0:00
0:00

Xét đến mục tiêu đề ra và kết quả đã đạt được, chúng ta đang đi đúng hướng và có được thành tích thậm chí tốt hơn cả kịch bản cao nhất. Năm 2024 vốn được dự đoán rất nhiều khó khăn. Đà tăng trưởng của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… chậm lại tạo trở lực đối với cả nền kinh tế thế giới nói chung. Các cuộc xung đột có chiều hướng lan rộng và phức tạp. Xung đột Nga - Ukraine vẫn tiếp tục diễn biến căng thẳng đã khiến tình hình chính trị thế giới trở nên ngày càng bất ổn, khó lường.

Dưới sự chỉ đạo của Đảng, nỗ lực sát sao, kịp thời trong điều hành chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cùng với sự cố gắng của địa phương, doanh nghiệp và người dân, chúng ta đã gặt hái “quả ngọt”, biến nguy thành cơ. Kết quả đó khẳng định chúng ta có thêm một bước tiến quan trọng, không chỉ đạt được nhiệm vụ đề ra cho quý I, mà còn là tiền đề để hoàn thành các mục tiêu GDP năm 2024.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu ban đầu, vẫn còn những trăn trở, đặc biệt trong động lực dẫn dắt, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo Bộ Tài chính, quý I/2024 vẫn còn 23 bộ, cơ quan T.Ư có tỷ lệ giải ngân 0%, có 15 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 10%. Trong khi đó, kết quả giải ngân các dự án quan trọng quốc gia đạt tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ bình quân chung tháng 2 của cả nước với tổng số vốn giải ngân của 9 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải là hơn 7.332 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 8,3% kế hoạch năm 2024 được giao (hơn 88.032 tỷ đồng).

Báo cáo của Bộ Tài chính cũng chỉ ra nhiều vướng mắc, khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các dự án nói riêng và giải ngân vốn đầu tư công nói chung, nhiều vướng mắc đã tồn tại trong thời gian dài như về cơ chế chính sách, công tác giải phóng mặt bằng với trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, giá nguyên liệu...

Nhìn nhận một cách khách quan, trong khi kinh tế đã có bước chuyển mình tích cực thì giải ngân đầu tư công chưa làm tròn vai, động lực dẫn dắt… Với cái nhìn tổng quan về nền kinh tế, để tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, từ giờ đến cuối năm, nếu chúng ta tiếp tục triển khai quyết liệt hơn nữa, tháo gỡ các nút thắt trong giải ngân vốn đầu tư công, kinh tế Việt Nam sẽ có đủ dư địa để phát triển với tốc độ khả quan.