Khơi thông dòng vốn

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thể hiện sự kỳ vọng to lớn vào ngành ngân hàng. Đồng thời, Thủ tướng đã đề ra một số nhiệm vụ dựa trên một số câu hỏi còn bỏ ngỏ.
0:00 / 0:00
0:00

Một trong những câu hỏi đó là tại sao lượng tiền gửi đang ở mức kỷ lục nhưng lãi suất cho vay vẫn đang ở mức cao? Đây là vấn đề không mới, đã được nhắc đi nhắc lại từ đầu năm 2023 đến nay, nhưng dường như vẫn chưa có một đáp án đủ hoàn chỉnh để giải quyết.

Câu chuyện lượng tiền gửi ở mức kỷ lục mặc dù lãi suất huy động thấp có nhiều nguyên nhân. Nhiều ý kiến lý giải rằng, có một tâm lý chung là dòng tiền đang tìm nơi trú ẩn an toàn khi các cơ hội đầu tư trở nên khan hiếm… Lãi suất cho vay neo cao lại đang phản ánh câu chuyện trái ngược. Một số cá nhân, doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội để đầu tư lại gặp khó khăn khi vay vốn. Nghịch lý khiến cho dòng vốn ách tắc, không thể được đưa vào nền kinh tế. Nhiều người ví von hiện trạng này như cơ thể đang cần máu, huyết mạch bị tắc nghẽn!

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã rất chủ động khi đưa ra Thông tư 06, có hiệu lực từ ngày 1/9/2023, cho phép khách hàng vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác. Như vậy, khách hàng vay vốn hoàn toàn có thể lựa chọn cho mình ngân hàng có lãi suất cho vay cạnh tranh.

Thực tế, hầu hết các ngân hàng đang dùng mức lãi suất cơ sở làm căn cứ để cộng thêm biên độ, từ đó định ra lãi suất cho vay. Nhưng lãi suất cơ sở lại không căn cứ trên lãi suất huy động kỳ hạn 12 - 13 tháng. Các ngân hàng cổ phần đang tính lãi suất cơ sở từ 8,5 - 9%, trong khi lãi suất huy động cao nhất chỉ vào khoảng 5,8 - 6%. Khoảng chênh lệch lớn này đang nguy cơ gây ra thiệt thòi cho cả người gửi lẫn người vay.

Việc cho phép khách hàng vay của ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác, ngay từ đầu đã được kỳ vọng trở thành yếu tố then chốt nâng cao tính cạnh tranh, giảm lãi suất cho vay, giải quyết nghịch lý trên thị trường tín dụng. Nhưng đến hiện tại vẫn chưa đem lại những tác động đáng kể. Việc vay ngân hàng để trả nợ ngân hàng hầu như vẫn khó khăn đối với số đông khách hàng. Ngân hàng thường yêu cầu thêm tài sản bảo đảm ngoài tài sản đang bảo đảm cho khoản vay cũ. Đó là chưa kể đến việc đôi lúc khách hàng được yêu cầu phải mua thêm bảo hiểm khoản vay…

Chỉ cần Thông tư 06 cụ thể hóa hơn nữa ở một số quy định, chỉ cần các cấp, ngành, bộ phận liên quan quyết liệt hơn nữa trong việc giám sát thực hiện Thông tư. Như vậy, có lẽ từ câu hỏi Thủ tướng Chính phủ đặt ra đến câu trả lời của ngành ngân hàng sẽ thật sự tạo nên những đột phá giúp khơi thông nguồn vốn.