Cội nguồn cho sức mạnh

Dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, muôn triệu tấm lòng người dân trong cả nước và người Việt ở nước ngoài đang hướng về cội nguồn thiêng liêng: Núi Nghĩa Lĩnh, đất cổ Phong Châu, nơi khởi nguồn nhà nước Văn Lang với 18 đời Vua Hùng.
0:00 / 0:00
0:00

Cũng từ đó hướng về dòng chảy lớn lao, bền lâu qua những nghìn năm người Việt Nam vừa dựng nước, vừa giữ nước. Các thế hệ người Việt đã nhớ ơn công lao tổ tiên xưa để lưu giữ, bảo vệ những thành quả vĩ đại mà các bậc tiền nhân đã tạo dựng. Có thể nói, từ thuở bình minh lịch sử của dân tộc, tinh thần dân tộc, tôn vinh nguồn cội đã được khởi lên và lưu truyền tới hôm nay, trong đời sống hiện đại, trong xu thế toàn cầu hóa mạnh mẽ.

Cùng với các hoạt động lễ, hội trong không gian văn hóa, huyền thoại của khu thắng tích Đền Hùng, Phú Thọ quy tụ đông đảo người dân các địa phương, vùng miền; thì trên địa bàn cả nước đang diễn ra nhiều nghi thức, hoạt động văn hóa, lễ hội, du lịch đa dạng thành kính tưởng nhớ các Vua Hùng. Với cộng đồng người Việt trên thế giới, trong bối cảnh công nghệ phát triển, những hình thức tôn vinh, kỷ niệm có sự kết nối giữa các không gian, giữa nước ngoài và trong nước đang được thể hiện sáng tạo, giữ gìn sự thành kính, trang trọng, lại có những hoạt động mới mẻ, phù hợp với xã hội hiện đại.

Nhìn lại nhiều năm qua, trong sự phát triển của xã hội hiện đại, có một số quan điểm, suy nghĩ chỉ chú trọng đến hiện tại, tương lai mà coi nhẹ quá khứ. Có khi còn đánh giá thấp những giá trị truyền thống. Từng có thời gian có những di sản thiêng liêng, giàu giá trị của dân tộc bị nhạt nhòa, không được quan tâm, phát huy đúng mức do những cách nhìn nhận chưa thấu đáo, đầy đủ.

Nhưng thực tế đang ngày càng chứng minh sâu sắc hơn sự trường tồn của các giá trị văn hóa, văn hiến dân tộc; sự thấm sâu, lan tỏa rộng rãi của những tôn giáo, tín ngưỡng giàu giá trị nhân văn, nhân ái, giàu tính cố kết trong lịch sử phát triển của nhiều cộng đồng. UNESCO với những quan điểm khoa học và tiến bộ, đã lan tỏa cái nhìn trân trọng đối với các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên… trên toàn thế giới; khích lệ và tích cực hướng dẫn nhiều quốc gia trong việc tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa mà quốc gia, cộng đồng dân tộc nơi đó đang nắm giữ. Nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên tiến trình đẩy mạnh quan hệ ngoại giao với các nước khác, đã luôn quan tâm, trân trọng truyền thống, văn hóa, di sản của nước bạn cũng như lấy văn hóa, di sản và những biểu tượng thiêng liêng của đất nước mình để làm những tấm “căn cước” khi hội nhập. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta ngày càng nhận thức rõ hơn về sức mạnh trường tồn và khả năng đồng hành, làm nền tảng của văn hóa, di sản cho kinh tế, chính trị, xã hội trong quá trình phát triển.

Trong xu thế đó, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đang tiếp tục được tôn vinh, trở thành biểu tượng mang tính quy tụ, đoàn kết và trở thành điểm tựa quan trọng cho tinh thần, tâm hồn, ý nguyện của đông đảo nhân dân. Cội nguồn đó, sẽ tiếp tục cho chúng ta thêm sức mạnh, niềm tin để vượt qua những khó khăn, trở ngại, quyết tâm giành được những thành tựu mới trong dựng xây, bảo vệ, trong phát triển và hội nhập.