TS Carmen Hijosa làm việc tại Trường cao đẳng Nghệ thuật London (Anh) là người nghiên cứu về chất liệu da và ảnh hưởng môi trường trong nhiều năm qua. Quá trình thuộc da, nhuộm và chế biến da đều sử dụng lượng lớn hóa chất và gây ra hậu quả lớn tới môi trường. Năm 2015, bà bắt đầu tìm kiếm giải pháp thay thế bền vững hơn. Trong đó, bà đã đặc biệt chú ý đến một loại chất liệu mới từ lá dứa thay thế cho da động vật.
Theo bà, lá dứa thường bị bỏ đi sau mùa thu hoạch trái, lại có thể chế biến thành loại sợi bền bỉ và thân thiện với môi trường. Những sợi này sau khi dệt tạo ra chất liệu vừa có tính ứng dụng cao vừa mang lại hiệu ứng về thẩm mỹ như da thuộc. Loại “da” từ lá dứa được đặt tên là Pinatex và nhanh chóng trở thành một trong những chất liệu được yêu thích trên thị trường dệt may hiện đại.
Nguồn lá dứa được khai thác hoàn toàn từ các trang trại dứa hữu cơ tại Philippines. Tại đây, người dân địa phương thu hoạch sợi dứa sau khi lấy trái. Quá trình chế biến sợi dứa không sử dụng hóa chất và được làm thủ công, không gây ô nhiễm môi trường. Không chỉ tạo ra một loại vật liệu mới bền vững, mà quá trình chiết xơ còn tạo ra sinh khối có thể dùng trong đun nấu hoặc trồng trọt. Sau cùng, người nông dân trồng dứa thu được phân bón hữu cơ giúp tăng thu nhập.
Chất liệu Pinatex bền, thoáng, mềm, nhẹ và có các thuộc tính cơ bản như da tổng hợp cho phép nhà thiết kế sử dụng chúng như một loại vải thông thường. Hơn nữa chất liệu này có thể sản xuất hàng loạt, giúp giảm giá thành. Nhiều thương hiệu thời trang đã dùng Pinatex để thay thế cho da và các vật liệu đắt tiền khác.
Hiện nay, ngày càng nhiều vật liệu mới thân thiện môi trường được phát triển, như vải làm từ vỏ xương rồng hoặc vỏ hành tây; bã cà-phê được sấy khô, ép thành những chiếc khuyên tai, nhẫn, vòng tay độc đáo… khiến thị trường thời trang bền vững đang ngày càng trở nên sôi động.