Phương thức canh tác mới ở Cuba

Theo Reuters, để đối phó tình trạng thiếu hụt lương thực, hai doanh nhân trẻ người Cuba đã kết hợp trồng trọt và nuôi trồng thủy sản để cho ra phương pháp tên gọi “aquaponics”.
0:00 / 0:00
0:00
Một cơ sở trồng thủy canh ở ngoại ô Thủ đô La Havana. Ảnh: FAO
Một cơ sở trồng thủy canh ở ngoại ô Thủ đô La Havana. Ảnh: FAO

Aquaponics là một hệ thống cộng hưởng bền vững mang tính chu kỳ của tự nhiên, kết hợp giữa nuôi trồng thủy sản và thủy canh (kỹ thuật trồng cây trực tiếp vào môi trường dung dịch dinh dưỡng). Thông qua cơ chế này, nước thải từ việc nuôi trồng thủy sản được dùng làm nước tưới cho cây nông nghiệp. Anh Joel Lopez, đồng sở hữu JoJo Aquaponics, cho biết dự án này vừa đem lại hiệu suất vừa thân thiện môi trường, là một giải pháp phù hợp để đối phó khủng hoảng lương thực của Cuba.

Trong một chuyến tham quan cơ sở sản xuất ở ngoại ô Thủ đô La Havana, Joel Lopez cũng khẳng định, tất cả sản phẩm từ thủy sản đến cây lương thực đều được nuôi trồng tự nhiên, không sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu, vốn là những nguyên liệu gây hại cho môi trường và cực kỳ đắt đỏ trên vùng đảo Caribe. Vào mỗi cuối tháng, cơ sở sản xuất với các bể cá và nhà kính kết hợp hài hòa này sẽ thu hoạch cả cá và rau xanh.

Hiện, Cuba đang phải đối mặt tình trạng suy thoái kinh tế trầm trọng do bị bao vây cấm vận trong nhiều thập kỷ. Chính phủ Cuba đã và đang kêu gọi các doanh nhân đưa ra giải pháp sáng tạo nhằm cải thiện tình hình. Anh Jose Antonio Martinez, đồng sở hữu JoJo Aquaponics cho biết, việc những doanh nhân trẻ dấn thân tiến bước và mang lại sự phát triển kinh tế cho đất nước là hoàn toàn hợp lý và cần được khuyến khích.

Tuy nhiên, cần bỏ ra một nguồn kinh phí lớn để áp dụng công nghệ vào hệ thống thủy canh. Trong bối cảnh kinh tế Cuba hiện nay, việc tiếp cận và duy trì nguồn tài chính vẫn đang bị giới hạn. Bất chấp những thách thức, ngày càng nhiều người dân Cuba đầu tư vào việc phát triển sản xuất để cải thiện thu nhập.