Gần đây, tại buổi hòa nhạc cổ điển diễn ra ở Trung tâm Biểu diễn nghệ thuật New York (Mỹ), người khiếm thính lần đầu có cơ hội trải nghiệm hiệu ứng âm thanh vòm 3D thông qua rung động nhờ một thiết bị đặc biệt có tên là Haptic Suit. Đây là một thiết bị đeo trên người, được gắn 24 cảm ứng tạo rung động ở ngực, vai, cổ tay. Nhờ đó người nghe có thể cảm nhận được âm thanh, nhịp điệu của nhiều loại nhạc cụ với những cấp độ khác nhau.
Theo CNN, NIL đã ghi dấu ấn trong cộng đồng người khuyết tật với một số phát minh. Đáng chú ý, bộ công cụ “vẽ bằng ánh mắt” gọi là Eyewriter, cho phép họa sĩ khuyết tật có thể sáng tạo nghệ thuật qua màn hình cảm biến. Công cụ giúp họa sĩ tạo hiệu lệnh và chọn các thao tác viết, vẽ bằng mắt, đang được phòng thí nghiệm của NIL tiếp tục nghiên cứu phát triển. Dự án này cũng đang hướng đến cải thiện sức khỏe của cộng đồng với dự án Pepper. Nhóm các nhà phát minh đã phát triển hệ thống giám sát sức khỏe, theo dõi các dấu hiệu mệt mỏi và căng thẳng ở những nơi công cộng như bệnh viện và trường học.
Mick Ebeling, người sáng lập và là Giám đốc điều hành của Not Impossible Labs cho biết, anh đã bắt đầu chú ý tới những giải pháp kỹ thuật thông minh có thể mang lại lợi ích cho người khuyết tật, trong đó có việc sáng tạo ra các thiết bị cảm biến rung động. “Sứ mệnh của chúng tôi là phát minh dựa trên kỹ thuật hiện đại để mang lại cảm nhận về âm nhạc, nghệ thuật cho người sử dụng. Các giải pháp đầu nối và cảm biến của NIL giúp định hình lại khả năng tiếp cận nghệ thuật cho người khuyết tật. Chúng tôi nhìn mọi thứ dưới một góc cạnh khác đi và điều đó đem lại những trải nghiệm thật tuyệt vời”.