Văn học và báo chí: Đối mặt - Đồng hành

Sự tiến bộ nhảy vọt của khoa học, công nghệ đưa đến những thay đổi có tính “đột biến” trên nhiều mặt, trong đó có văn học (VH) và báo chí (BC). Ở Việt Nam, hai lĩnh vực này quan hệ đặc biệt và ngày càng có những chuyển động dữ dội theo xu hướng toàn cầu đầy thách thức.

Minh họa: Tác phẩm Tình yêu của Nguyễn Thị Hiền vẽ đôi uyên ương và em bé, trên nền những câu thơ của Lưu Quang Vũ.
Minh họa: Tác phẩm Tình yêu của Nguyễn Thị Hiền vẽ đôi uyên ương và em bé, trên nền những câu thơ của Lưu Quang Vũ.

Mỗi năm, Học viện Báo chí - Tuyên truyền “trường dòng” có uy tín về đào tạo phóng viên (PV), biên tập viên (BTV) ở Việt Nam, “xuất xưởng” 200 cử nhân. Lực lượng này tưởng đông, nhưng tham gia guồng quay làng báo, chịu sàng lọc, đào thải hầu như không khoan nhượng, số còn lại không được nhiều “lính tinh nhuệ” tác chiến cho bộ máy hàng ngày. Những cây bút năng động từ lúc trong trường, ra nghề thiện chiến, là trụ được. Tốt nghiệp hết, song vào đời, chính đòi hỏi của công việc là “lửa thử vàng”. Tổng kết lại, mỗi khóa, sau 5 năm, còn làm nghề chỉ là 1/10, chưa bàn tới công danh.

Thế nên, 1,7 vạn nhà báo có thẻ của Việt Nam, nghe con số thì “ngộp” vì đông quá, vẫn thiếu khi báo đến lúc làm “cỗ”, “tiệc”, cần “đặc sản”. Lượng nhà văn nhà thơ (gọi chung là nhà văn) tham gia viết báo tấp nập khiến cuồng quay BC ngày một rộn ràng. Phân tích về sự suy giảm độc giả VH, nhiều ý kiến cho rằng tại BC bung ra nhiều, rộng, báo in, báo mạng đọc không xuể.

Sự “đổ tại” này không thỏa đáng, vì hầu hết các loại hình nghệ thuật đều giảm khán giả, trước cả lúc kinh tế suy thoái toàn cầu.

BC chân chính đề cao sự thật, phản ánh và sự trung thực của nhà báo, nhưng để ấn tượng thì viết “thật thà” là vô ích. Kỹ thuật và tài của nhà báo là lối thể hiện sự thật bằng giọng điệu, phong cách thế nào. Sự giản dị không đồng nghĩa nôm na, mòn cũ. Cuộc sống vốn đầy rẫy mâu thuẫn: độc giả cần sự thật nhưng lại thích giật gân, bị tò mò, chú ý, và quyết định đọc bài báo nào đó cũng vì cái tít (titre). Khoảnh khắc mắt họ chạm vào tít là thời điểm vụt loé mà người viết nhạy cảm phải hình dung từ khâu bản thảo, hoặc có thể trông đợi tòa soạn lúc khâu đoạn “bếp núc”, nhờ BTV cao nghề. Khoảnh khắc ấy quyết định sự thắng lợi của cạnh tranh giữa các cây bút, các tờ báo với nhau để giành độc giả cho mình. Tít bài, tên nhà báo / Nhan đề sách / tên nhà văn là cặp tương quan chủ lực quyết định với độc giả ngày nay khi họ cầm lấy / mua sản phẩm. Nắm bắt điều này một cách nhạy bén nhất, các tòa soạn đặt bài những người tên tuổi: nghệ sĩ, nhà khoa học, sử học, chuyên gia, nhà văn theo số chuyên đề hay báo Tết cần “tinh hoa tụ hội”. Trong lực lượng đa dạng ấy, nhà văn tham gia lâu bền và đông đảo nhất. Vốn sống, độ sâu sắc, lượng ngôn ngữ chất suy nghiệm và sáng tạo của nhà văn thường tạo nên các bài báo hay, hấp dẫn hơn PV quen tay chế sản phẩm hằng ngày theo yêu cầu sống còn: cập nhật nhanh, đón đầu, đeo bám sự kiện nhân vật và tất nhiên, phải nộp bài đúng giờ.

Ở châu Âu, người dân đọc sách trên métro; còn ở ta, lưu thông chủ yếu bằng xe máy. Trên “đường đua tốc độ”, một số tác giả trưng cầu người đọc bằng những truyện, thơ công bố trên mạng vô tội vạ, đọc miễn phí; và thỏa “khát khao nổi tiếng”. Còn trên thế giới, sách điện tử (ebook) được xuất bản như một trào lưu. Cũng như báo mạng, phim rạp, sách văn học (đủ thể loại) nhiều người truy cập / xem không đồng nhất với chất lượng.

Do đặc thù tân văn, BC phải bảo đảm chất lượng và tốc độ thông tin, nên ngôn ngữ không giàu, đẹp bằng VH. Ai không chịu đọc sách, chỉ toàn đọc báo, chắc chắn sẽ nghèo về ngôn ngữ. Song thực tế, khi sự giao thoa nảy nở, liên kết nhiều cấp độ, nảy sinh nghệ thuật đa phương tiện, thì VH-BC có quan hệ càng bền chặt. Dẫu có mâu thuẫn, cạnh tranh, mối quan hệ này không phải đối kháng và không thể loại trừ nhau. Khái niệm “sinh ngữ” ngày càng ứng hoạt sống động, khi BC, thứ ngôn ngữ gần nhất với đời sống, đã vào văn chương một cách tự nhiên và phong vị, giọng điệu văn chương là yếu tố làm trang báo trở nên hấp dẫn, sang trọng hơn.

BC thế giới, khởi thủy là báo in, đã tồn tại 5 thế kỷ, còn ở Việt Nam mới chưa đầy 1/5 thời gian ấy, nhưng khác biệt. Theo Huỳnh Văn Tòng: “Văn học hiện đại Việt Nam thoát thai từ báo chí, khác với các nước phương Tây là văn học đẻ ra báo chí”. Suốt thế kỷ XX cho đến nay, báo chí là kênh quan trọng công bố, đăng tải nhiều tác phẩm văn học. Một trăm năm trước, tuần báo Đông Dương tạp chí ra 15/9/2013 dạy, phổ biến chữ quốc ngữ, dịch nhiều tác phẩm nổi tiếng của văn học Pháp ra tiếng Việt, bởi công của chủ bút Nguyễn Văn Vĩnh.

Nam Phong tạp chí (1917 - 1934, tòa soạn ở 80 Hàng Gai, Hà Nội) kiên trì nghiên cứu cải tạo câu văn quốc ngữ, lối diễn đạt mới, với các nhà văn Phạm Duy Tốn, Hoàng Tích Chu, Phan Kế Bính, khởi đầu sự nghiệp tại đây.

Một số nhà cách mạng Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Trường Chinh nối tiếp gương Nguyễn Ái Quốc, đã lập báo, làm chủ bút và luôn ý thức dùng văn chương báo chí cho mục đích tuyên truyền yêu nước, làm cách mạng. Lịch sử BC Việt Nam trước 1945 ghi nhận nhiều tên tuổi nhà văn nổi tiếng: Tản Đà, Ngô Tất Tố, Phan Khôi, Hoàng Ngọc Phách, Hoàng Đạo Thúy, Dương Bá Trạc, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Trần Huy Liệu, Hải Triều, Hoa Bằng, Tô Hoài, Sỹ Tiến, Lưu Trọng Lư... BC nuôi sống các tài năng văn chương bằng việc đăng tải dài kỳ (feuilléton) các truyện dài. Báo thời trước luôn giữ mục, trang văn học. Các tờ Phong hóa (1932 - 1936), Ngày nay (1935 - 1940) của Tự Lực văn đoàn, Tiểu thuyết thứ bảy, Phụ nữ tâm văn ghi đánh dấu hiện thực: phần lớn các nhà văn đều phải đi lên từ nghề báo. Đến cả nhà tư sản yêu nước Bạch Thái Bưởi cũng không đứng ngoài dòng chảy báo chí, ông sáng lập Khai hóa nhật báo, mời Hoàng Tích Chu, nhà văn quê làng Phù Lưu (Bắc Ninh) làm chủ bút. Đoàn BCVN do Chính phủ lâm thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh lập 28/12/1945 có nhà văn Nguyễn Huy Tưởng làm Thư ký.

Lao động văn chương là lao động nặng, mà chế độ nhuận bút hiện thời không thay đổi, 10% giá bìa nhân số lượng, mà số lượng thường chỉ từ 1.000 - 2.000 cuốn là phổ biến (trong khi thời bao cấp, không hiếm cuốn chẳng hay cũng có thể in tới một vạn, thậm chí hơn), còn cơ man đầu nậu, sách lậu. Viết cuốn sách cả năm nhận nhuận bút 10 triệu, chẳng khác gì “bán máu”, rẻ quá. Văn chương sang thế, ý nghĩa cao đẹp thế mà không nuôi sống được nhà văn, phải mở rộng thành nghề viết, muốn tồn tại để theo đuổi văn chương, nhà văn phải chịu khó “cày”: viết báo, kịch bản, thâu đêm bạc mặt.

Cuộc sống vận động từng giờ, BC bắt nhịp, và VH không thể không thức thời, nhập thế, dù lằn ranh giữa việc chiều thị hiếu, đáp ứng nhu cầu độc giả và tính tư tưởng, giá trị của tác phẩm trước thử thách của thời gian là thước đo phân loại đẳng cấp tác giả. Hàng ngày, đều có nhiều sách ra đời, nó chỉ được biết đến khi được quảng bá trên BC, truyền hình bằng các bài viết, chuyên mục giới thiệu. Từ đây, nảy sinh mối quan hệ hữu cơ không thể khác của cái gọi là “phê bình truyền thông” với đời sống văn học. Không ít tác giả có bạn đọc đông lên nhờ đăng tác phẩm trên báo, chứ không phải lượng người mua sách. Một số “thời thượng” chọn cách PR thường xuyên bằng việc lên báo, lên mạng, TV hăng hái cho khán giả quen tên, nhớ mặt hơn là biết họ viết gì. Những cơn sốt, thống kê sách bán chạy do hiệu ứng quảng bá trên các loại báo. BC giúp cho nhà văn nổi tiếng và giải quyết tham vọng tiếng tăm cho nhiều cây bút đủ mọi lứa tuổi. BC nhiều khi là gợi ý chất liệu cho văn chương và cả hai cùng tương tác, dự báo diễn biến đời sống. Và rồi, họ - nhà văn, nhà báo khi bình luận, chuyện đời thường lẫn phát biểu nghề nghiệp, vẫn thường xuyên đánh giá cao thấp, độ nổi tiếng, sức tỏa lưu bằng việc đề cao lĩnh vực mình theo đuổi.

Rốt cuộc, Văn - Báo quả đúng như Triết học biện chứng: “Mâu thuẫn là động lực của sự phát triển” định mệnh cần nhau, bổ trợ nhau. Sự đối mặt chắc chỉ để cận cảnh, nhìn nhau rõ hơn, rồi lại tiếp bước hành trình phục vụ, neo giữ bạn đọc. Quan niệm “Báo nhất thời, Văn để đời”, về tuổi thọ ngắn ngủi của báo và sự lưu truyền của những cuốn sách trên giá mỗi gia đình, trong các thư viện, đến giờ chỉ là tương đối. Thời gian sàng lọc nghiệt ngã, khốc liệt, công bằng. Những gì hay, sẽ còn lại lâu giá trị bền, ngoài dự liệu và tuổi thọ của người viết ra chúng, dù là nhà báo hay nhà văn.

Những cơn sốt, thống kê sách bán chạy do hiệu ứng quảng bá trên các loại báo. BC giúp cho nhà văn nổi tiếng và giải quyết tham vọng tiếng tăm cho nhiều cây bút đủ mọi lứa tuổi.